(Báo Quảng Ngãi)- Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT không phát hành tài liệu ôn tập. Vì vậy, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức ôn tập nhằm củng cố kiến thức cho học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ôn tập theo chuẩn kiến thức
Trước đây, các trường tập trung ôn tập cho học sinh theo tài liệu do Bộ GD&ĐT ban hành, còn năm nay thì các trường được chủ động. Ông Trương Quang Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, cho rằng: Việc không phát hành tài liệu ôn tập đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc ôn tập cho học sinh. Vì thế, trường đã phân công giáo viên có năng lực để ôn tập cho các em. Ngoài ra, trường cũng cho các em đăng ký môn thi ban đầu và tổ chức phụ đạo đối với các môn tự chọn. Riêng các môn bắt buộc, gồm Toán, Văn, Anh, trường đã tăng cường dạy thêm một buổi ngay sau khi kết thúc học kỳ I.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Sơn tham gia kỳ thi thử. ảnh: M.Hạ |
Trong khi đó, thạc sĩ Vũ Thị Liên Hương- Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết thì lo lắng, dù Bộ GD&ĐT không chính thức phát hành tài liệu tham khảo ôn thi THPT quốc gia, nhưng hiện nay trên thị trường có rất nhiều tài liệu ôn tập. Để giúp học sinh có bộ tài liệu tham khảo có chất lượng thì cần có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và định hướng của giáo viên có kinh nghiệm. Cũng theo bà Hương, một giải pháp tương đối có hiệu quả là khuyến khích, hỗ trợ học sinh biết cách tự học, tự ôn tập; phân nhóm theo trình độ, nhu cầu ôn tập từng môn học của học sinh, hạn chế tổ chức ôn tập theo hình thức tập trung, đại trà. Qua đó, giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức theo tinh thần đề kiểm tra với ma trận gồm 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Kinh nghiệm "chống trượt"
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) có đa số học sinh là con em đồng bào Ca Dong. Học lực của các em chỉ ở mức trung bình nên nguy cơ trượt kỳ thi THPT là rất cao. Thầy Bùi Thế Giới – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đầu học kỳ II, trường đã tư vấn, hướng dẫn các em chọn môn thi tự chọn; tăng cường tiết dạy ở các môn thi nhằm giúp các em hệ thống lại kiến thức. Trường có 103 học sinh, phần lớn ở nội trú, được trường bố trí phòng học, quạt, điện thắp sáng giúp các em ôn tập có chất lượng. Các thầy cô ở đây đa số từ đồng bằng lên, sau giờ lên lớp cũng ở lại nhà tập thể nên cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn các em ôn tập vào buổi tối. Đến nay, có gần 100% học sinh chọn môn thi phụ là Địa lý và đang tập trung ôn 3 môn chính Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Không khí ôn tập ở Trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ) trong những ngày này cũng đang được tập trung cao độ. Hiện có 50 học sinh khối 12 đang ôn tập ở trường. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thành, bộc bạch: Trường phân nhóm học sinh yếu, trung bình, khá để có cách ôn tập sát với từng đối tượng vào buổi tối. Trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường dạy nhóm, dạy kèm và tra bài 15 phút đầu giờ để các em nắm vững kiến thức.
Còn ở Trường THPT Lý Sơn, đến nay đã hoàn thành hai đợt thi thử cho các em khối 12. Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Long, cho biết: Qua hai đợt thi, trường thấy hài lòng với kết quả và hình thức tổ chức, cấu trúc đề thi tương tự như một kỳ thi THPT quốc gia. Tuy trường ra đề thi nhưng đều tham khảo, chọn lọc những phần thi từ các trường có uy tín trong tỉnh.
Được biết, kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014 – 2015, Trường THPT Lý Sơn chỉ có 74,6% học sinh đạt, các em trượt do phần lớn bị liệt môn Toán. Nhiều em đủ điểm xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng do bị điểm liệt nên đành phải gác lại giấc mơ. Em Nguyễn Thị Thu Thể, lớp 12B4, cho rằng: Trải qua 2 đợt thi thử em làm được khoảng 60% nội dung đề, nên em quyết định chọn cụm thi đại học.
Với việc tổ chức đa dạng các hình thức ôn tập, thi thử; sự cố gắng của mỗi học sinh, sự quan tâm của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và cả ngành giáo dục, tin rằng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 trên địa bàn tỉnh ta sẽ đạt nhiều kết quả tích cực.
M. HẠ-T.PHƯƠNG