Sẽ chỉ còn thi tốt nghiệp THPT; tuyển sinh là việc của trường đại học

10:03, 19/03/2016
.

Ngày 18-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ có liên quan và 13 trường đại học thực hiện thí điểm để đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc


Tự chủ đại học: Vẫn còn nhiều vướng mắc

Ngày 24-10-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 77 về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Theo đó, việc thí điểm này nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho ngân sách nhà nước, đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách. Cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.
 

“Sau cuộc họp này, những gì vướng mắc cần tháo gỡ thì Bộ GD-ĐT phải có văn bản nêu rõ. Phải làm hiệu quả vì sẽ không chỉ 13 trường thí điểm tự chủ. Sẽ phải kết thúc thí điểm để tổng kết, báo cáo Chính phủ mở rộng. Tự chủ sẽ phải là yêu cầu bắt buộc với tất cả các trường ĐH. Bộ GD-ĐT đề nghị kéo dài thời gian thí điểm tự chủ là không phù hợp. Tinh thần là phải làm rõ hết những điểm còn vướng mắc để tháo gỡ”, Phó Thủ tướng nêu. Theo ông, tự chủ đại học cơ bản không vướng gì về mặt cơ chế chính sách, vấn đề là triển khai, trong đó yếu tố con người rất quan trọng. Phải có sự thúc đẩy, hợp tác từ 2 phía: các trường và Bộ GD-ĐT để chấp dứt những tồn tại hiện nay.

Sau hơn 1 năm triển khai, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, triển khai Nghị quyết 77, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho 13 trường ĐH công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được thực hiện thí điểm đổi mới cho chế hoạt động. Hiện Thủ tướng đang xem xét phê duyệt Đề án thí điểm thêm 3 trường. Phần lớn các trường tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là các trường đào tạo khối ngành kinh tế. Đây là ngành có khả năng xã hội hóa cao, có thể huy động đóng góp của xã hội bằng cách thu học phí cao hơn so với các khối ngành khác.    

Qua tổng hợp từ 13 trường thực hiện thí điểm cho thấy, việc cho phép các trường được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội và yêu cầu đào tạo của nhà trường. Đến nay đã có 5 trường mở ngành mới. Việc được tự chủ trong công tác xây dựng nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các trường đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm tiếp cận với chuẩn đào tạo của quốc tế. Cơ chế tự chủ tuyển sinh như hiện nay đã giúp nhà trường hoàn toàn chủ động trong công tác tuyển sinh, đảm bảo tốt chất lượng đầu vào. Việc cho phép mức thu học phí cao hơn so với mức quy định chung đối với các trường đại học khác đã tạo điều kiện cho các trường tăng thêm nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đã quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân của các chương trình tối đa bằng mức trần học phí bình quân đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn nhiều vướng mắc. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, thời gian thí điểm là 2014-2017, trong khi các trường xây dựng đề án và trình phê duyệt còn chậm, thời gian thực tế thực hiện đề án thí điểm còn lại rất ngắn, chưa đủ thời gian để thực hiện kế hoạch dài hạn. Một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn nhiều lúng túng, đặc biệt là chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng quy định Ban giám hiệu các trường đại học công lập là công chức do cơ quan chủ quản quản lý, bộ nhiệm và quy định về tuổi về hưu như hiện nay làm mất đi khả năng đóng góp của những người có năng lực và có khả năng cống hiến hiệu quả cho nhà trường.

Trường ĐH Hà Nội cho rằng chưa có hướng dẫn cụ thể quyền tự chủ trong việc quyết định các định mức chi, chưa có quy định tự chủ về chế độ làm việc của giảng viên, về giờ chuẩn và nghĩa vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Mặc dù được quyết định mức thu học phí theo Đề án được phê duyệt cao hơn mức học phí quy định chung đối với các trường đại học khác nhưng để thu hút sinh viên, một số trường vẫn duy trì mức học phí bằng mức quy định chung của Nhà nước áp dụng cho các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ, vì vậy chưa có tích lũy để đầu tư các công trình, dự án lớn phục vụ công tác đào tạo… Do đó, Trường ĐH Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị được tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn (từ nhóm B trở lên) để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn...

Tạo cơ chế tự chủ thực sự cho các trường

Với quan điểm là đối thoại trực tiếp để tháo gỡ những vướng mắc, cuộc họp kéo dài từ đầu giờ sáng đến tận 13 giờ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lần lượt tháo gỡ hết những khó khăn mà các trường đang gặp. Từng vấn đề của 9 nhóm kiến nghị mà các trường đưa ra đã được Phó Thủ tướng yêu cầu từng bộ ngành liên quan giải thích, cam kết hướng giải quyết với lộ trình cụ thể. Phó Thủ tướng cho biết, sẽ báo cáo với Thủ tướng để đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 77 sau một năm thực hiện. Tinh thần chung là tạo cơ chế tự chủ thực sự cho các trường.

Riêng về vấn đề tuyển sinh, Phó Thủ tướng  cho rằng, thế giới họ không có kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức như ở Việt Nam. “Luật cũng quy định trường ĐH tự chủ.  Đến  lúc chúng ta phải làm như quốc tế, tức là chỉ thi tốt nghiệp THPT, là điều kiện để vào học ĐH.  Còn tuyển sinh là việc của các trường, Bộ GD-ĐT không đứng ra làm thay. Các trường có thể liên kết tuyển sinh hoặc Hiệp hội đứng ra kết nối là việc của các trường. Thời điểm nào giao tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho các trường thì phải tính, nhưng phải bảo đảm làm nhanh việc tự chủ tuyển sinh của các trường. Tương lai, chúng ta sẽ chỉ còn thi tốt nghiệp  THPT”, Phó Thủ tướng nêu. Đồng thời yêu cầu, Bộ GD-ĐT phải sớm công bố lộ trình năm nào sẽ giao tuyển sinh hoàn toàn cho các trường để họ sớm chuẩn bị.  Bởi hiện nay, với kỳ thi THPT để xét tuyển ĐH-CĐ thì các trường vẫn  muốn “thụ hưởng”. Các trường được tự chủ về học thuật, nhân sự, tài chính. Vấn đề tuyển sinh, có cần thiết phải có nhiều đợt tuyển sinh trong năm không cũng cần phải tính toán.
 

Tại cuộc họp, các trường cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm công bố xếp hạng các trường ĐH để xã hội đồng thuận, để các trường có căn cứ thu học phí.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hiện nay Bộ GD-ĐT đã thành lập 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Đã có 3 trường ĐH đầu tiên trong cả nước được kiểm định theo tiêu chí mới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, với 4 trung tâm kiểm định thì chưa thể kiểm định hết tất cả các trường ĐH-CĐ. Vì vậy, cần nên công bố bộ tiêu chí kiểm định để xã hội giám sát. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT phải ủng hộ các khuyến cáo của trung tâm kiểm định với những hạn chế, yếu kém của các trường; có chế tài nghiêm về mở ngành, tuyển sinh đối với những trường không bảo đảm chất lượng đào tạo. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ cập nhật, sửa đổi các văn bản theo hướng bộ ủng hộ các khuyến cáo của trung tâm kiểm định.

 



PHAN THẢO
 


.