Môn Sử sẽ về đâu?

09:03, 27/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Khảo sát tại nhiều Trường THPT và Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh, đăng ký môn thi tự chọn kỳ thi THPT Quốc gia 2016, rất nhiều trường “sạch bóng” môn Sử.

TIN LIÊN QUAN

Học sinh “né” Sử
 
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi và phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2016, các Trường, Trung tâm GDTX đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn để có hướng ôn tập, giúp các em có kiến thức vững vàng khi bước vào kỳ thi.
 
Tại ngôi trường có 97,5% tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015, Trường THPT Tây Trà có 135 em lớp 12, trong đó có 131 em chọn cụm thi xét tốt nghiệp và 4 em chọn cụm thi xét đại học, 0% học sinh chọn môn Sử. Trong khí đó, cũng là môn thuộc nhóm xã hội, nhưng Địa lý có 100% học sinh lựa chọn.
 
Em Hồ Thị Diễm, học sinh Trường THPT Tây Trà giãi bày: “Nếu bắt buộc chọn môn Sử, cực chẳng cùng tụi em phải học chứ tự chọn thì Địa lý dễ học và dễ lấy điểm hơn nhiều”.
 
Thầy Bùi Thế Giới- Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) cho biết, Trường vỏn vẹn có 3/103 (2,9%)  học sinh đăng ký thi môn Sử, Địa lý vẫn là môn được đăng ký nhiều nhất với 99 em (chiếm tỷ lệ 96%). Ba học sinh đăng ký môn Sử là những em có nguyện vọng xét tuyển đại học ở khối C.
 
Môn Sử giờ trở thành môn phụ.
Học sinh sợ môn Lịch sử.
 
Tương tự, tại Trường THPT Minh Long, cũng chỉ có 4/69 em đăng ký môn Sử, Địa lý có 91% học sinh lựa chọn; Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Quảng Ngãi) chưa tới 8% học sinh chọn môn này. 
 
Không chỉ ở miền núi mà các trường tại đồng bằng, số lượng học sinh đăng ký thi môn Sử chiếm không quá 10%. 
 
Thầy Lương Thành Hưng- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: Kết quả này không nằm ngoài dự đoán, yếu tố nghề nghiệp liên quan mật thiết đến việc chọn môn thi của học trò. Cũng dễ hiểu vì các trường đại học tuyển sinh khối C trên cả nước khiêm tốn, khoảng 10%.
 
Cũng là môn học thuộc nhóm xã hội, nhưng Địa lý được đa số học sinh “ưu ái”, thầy Hưng phân tích: Địa lý là môn xã hội có tích hợp của nhóm tự nhiên nên dễ học, dễ nhớ, ưu điểm của nó là được sự hỗ trợ đắc lực của Atlat, sử dụng Atlat thành thạo, không khó để các em lấy điểm trung bình trở lên.
 
Môn Sử sẽ về đâu?
 
Từ chỗ thi luân phiên hàng năm giữa Sử và Địa, đến môn thay thế cho Ngoại ngữ rồi chuyển sang môn tự chọn. Việc cho học sinh chọn môn thi được xem là phương án giảm áp lực cho học sinh, vô tình đẩy môn Sử vào thế tình thế “bi đát”. 
 
Dù đã rất cô gắng, nhưng vẫn chưa thể cứu vãn được số phận của môn Sử.
Giáo viên đã rất cố gắng, nhưng vẫn chưa thể cứu vãn được môn Sử.
 
Học sinh thi khối A, B hay khối D không bao giờ chọn thi môn Sử là điều chắc chắn. Mặc dù đây là quyền chọn lựa của các em học sinh, “thi gì học nấy”, nhưng nếu cứ đà này, số phận của môn Lịch Sử không biết sẽ về đâu trong chương trình giáo dục phổ thông nước nhà?
 
Theo thầy Trần Công Hòa- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà, học sinh sợ Sử là vì kiến thức quá nhiều và khô khan. Cách biên soạn sách giáo khoa vẫn theo cách truyền thống, diễn biến đến ý nghĩa lịch sử rất khó nhớ. Đa phần khi học môn này các em học thuộc lòng, trong khi đề thi những năm gần đây ra theo kiểu mở nên khi làm bài thi không thể suy diễn được.
 
Hơn 15 năm đứng lớp truyền đạt sử nhà cho học sinh, cô Đặng Thị Thanh Nguyệt, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thấm nỗi buồn khi Lịch sử trở thành môn phụ. Ngay cả 6 học sinh trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh của Trường  THPT Huỳnh Thúc Kháng có đến 4 em đạt giải cũng chỉ có 1 em chọn thi môn Sử.
 
Lịch sử là môn học tổng hợp quá trình hình thành và phát triển con người, của từng quốc gia, từng dân tộc, là dòng suối lớn nhất tạo nên văn hóa của một đất nước, sức mạnh của  một dân tộc. Lịch sử Việt Nam với những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu cho hậu thế. 
 
“Vì lẽ đó biên soạn, chắt lọc lại sách giáo khoa, giảm bớt sự kiện, thực tế đừng giáo điều quá là việc cần làm ngay để “cứu” môn Sử”- cô Nguyệt chia sẻ.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.