Một đề xuất về hệ thống trường chuyên

02:02, 05/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương, là một người có nhiều ý kiến mới mẻ, táo bạo ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Ông vừa có bài viết trên báo Thanh Niên “Lại bàn về đổi mới giáo dục”, trong đó có nêu một đề xuất mà theo tôi là rất đáng quan tâm. Đó là đề xuất về sự tồn tại của hệ thống trường chuyên trong giáo dục phổ thông. Ông Vũ Ngọc Hoàng viết: “Cần xem lại hệ thống trường chuyên trong phổ thông công lập có cần thiết hay không? Đã gọi là “phổ” thì nên bình đẳng, đồng đều, không “đẳng cấp”, không phân biệt đối xử trong phân bổ ngân sách nhà nước. Chuyên thì không phải là phổ.

Còn trường bồi dưỡng nhân tài thì ít thôi và tổ chức theo khu vực, khớp nối với các trường đại học nghiên cứu, chứ không phải thành một “hệ thống” trong phổ thông công lập. Mặt khác, cho mở trường phổ thông ngoài công lập chất lượng cao. Ngoài ra, việc bồi dưỡng năng khiếu có thể tổ chức theo hình thức câu lạc bộ ở các trường trung học phổ thông”. Đối với vấn đề sự tồn tại của hệ thống trường chuyên thì trước nay đã có nhiều người nói, nhưng nói một cách rõ ràng như TS Vũ Ngọc Hoàng thì chưa thấy ai. Những đóng góp của hệ thống trường chuyên trong giáo dục phổ thông chất lượng cao thì lâu nay đã được khẳng định.

Nhưng với quyết tâm đổi mới giáo dục hiện nay, khi mục tiêu của giáo dục phổ thông không chỉ là trang bị kiến thức mà phải đào tạo nhân cách, phát triển năng lực, mang lại sự bình đẳng cho học sinh trong quyền lợi học tập và cơ hội phát triển, thì việc phân biệt “đẳng cấp” trong hệ thống trường chuyên, với chuyện thi học sinh giỏi hàng năm từ cấp trường cấp sở tới cấp quốc gia liệu có mang lại hiệu quả thực sự tích cực? Người ta hay nói cách thi học sinh giỏi như lâu nay là “luyện gà chọi”, thực sự là như vậy. Không chỉ luyện trong trường chuyên, mà còn luyện tại trung tâm là thủ đô Hà Nội trước mỗi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Kiểu “luyện thi” như thế ai cũng thấy có gì không ổn, nhưng không ai phản bác. Chưa kể, “luyện thi” như thế còn gắn với chuyện “dạy sát đề thi” là điều rất cần phải cẩn trọng khi đánh giá năng lực thật sự của học sinh giỏi cũng như kết quả thực sự của kỳ thi.

Còn nếu gọi hệ thống trường chuyên phổ thông là “trường bồi dưỡng nhân tài” thì lại rất cần phải xem lại. Nhân tài không thể có quá nhiều như thế. Và đúng như TS Vũ Ngọc Hoàng đã viết, “trường nhân tài” phải tinh và phải gắn kết với những trường đại học có đẳng cấp, có thương hiệu, bởi đó mới thực sự là “bồi dưỡng nhân tài”.

Cách đào tạo nhân tài theo hệ liên thông như thế, không chỉ gắn với trường đại học, mà còn gắn với những cơ sở nghiên cứu khoa học, những doanh nghiệp lớn, sẽ tạo cơ hội cho những học sinh phổ thông có tố chất tài năng phát triển và đóng góp thực sự cho đất nước. Với tất cả những học sinh còn lại, cơ hội có thể rộng mở một cách bình đẳng cho họ, dù là học trường công lập hay ngoài công lập. Học ở đâu cũng thế, miễn là học thành người, học có hướng phát triển phù hợp, học để làm việc, để lao động có chất lượng có hiệu suất cao nhằm mang lại thu nhập tốt nhất có thể cho bản thân, và góp phần xây dựng đất nước.     

Thanh Thảo
 


.