Trung tâm giáo dục thường xuyên- Hướng nghiệp và dạy nghề Trà Bồng
Đầu tư lớn, thiếu hiệu quả!

09:12, 13/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Được đầu tư với số vốn lên trên 32 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị... thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng, nay là Trung tâm giáo dục thường xuyên- Hướng nghiệp và dạy nghề (TTGDTX-HN&DN) huyện Trà Bồng vẫn thiếu vắng học viên.
 
Chỉ tiêu nhiều, học viên ít
 
Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng được Tổng công ty Lương thực Miền Nam đầu tư khoảng 32 tỷ đồng xây dựng trên diện tích gần 11.000m2, bao gồm: 11 phòng dạy lý thuyết, 4 nhà xưởng thực hành, khu nội trú đảm bảo nơi ở cho khoảng 250 học viên với trang thiết bị đầy đủ. Trung tâm được chính thức đưa vào sử dụng tháng 9.2013, với mục đích đào tạo nghề cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Tháng 4.2015, Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng sáp nhập với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Trà Bồng thành TTGDTX-HN&DN. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động và từ khi sáp nhập, trung tâm vẫn luôn trong tình trạng thiếu vắng học viên.
 
Trung tâm được đầu tư tới 30 tỷ đồng
Với tổng mức đầu tư lên tới 32 tỷ đồng, đây là Trung tâm dạy nghề lớn nhất các huyện miền núi trong tỉnh.
 
Ông Trần Thanh Kỳ- Giám đốc TTGDTX-HN&DN cho biết, với đặc thù là huyện miền núi, phần lớn là con em người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đào tạo cho học viên ở đây cũng không giống như các trung tâm dạy nghề ở huyện đồng bằng. Mặc dù chỉ tiêu và tuyển sinh rất nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng thực tế cho thấy thì những ngành nghề phi nông nghiệp như gò, hàn, tin học, may công nghiệp... không phù hợp với con em ở trên này. Chính vì vậy, số lượng học viên đến với trung tâm trong những năm qua để học nghề rất hạn chế.
 
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm đào tạo chưa tới 1.450 học viên, trong đó số học viên trực tiếp đến trường học nghề chỉ khoảng 400 học viên, số còn lại học tại chỗ số lượng học viên nghề năm sau luôn thấp hơn năm trước (năm 2013 đào tạo 606 học viên, năm 2014 đào tạo 552 học viên, năm 2015 đào tạo 294 học viên). Như vậy, trung bình mỗi năm trung tâm đào tạo chưa tới 500 học viên, trong khi Trung tâm được phép tuyển 1.200 học viên/năm, với khoảng 32 nghề khác nhau.
 
Lãng phí trang thiết bị
 
TTGDTX-HN&DN Trà Bồng được xem là trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề lớn nhất ở huyện miền núi hiện nay. Thời gian qua, trung tâm  này được đầu tư trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, tuy nhiên do số học viên đến trung tâm này quá khiêm tốn dẫn đến một thực trạng nhiều trang thiết bị phải "đắp mền" gây lãng phí khá lớn.
 
Phòng máy vi tính luôn đóng cửa, bụi phủ do không có học viên
Phòng máy vi tính luôn đóng cửa, bụi phủ do không có học viên.
 
Theo quan sát của chúng tôi, các trang thiết bị được đầu tư tại trung tâm này thời gian qua hầu như ít khi được sử dụng bởi thiếu vắng học sinh.  Các xưởng thực hành may, điện, cơ khí luôn nằm trong tình trạng đóng cửa. Tại phòng vi tính, những chiếc máy vi tính để bàn đời mới lâu ngày không được sử dụng phủ một lớp bụi dày; các xưởng may, thực hành cũng cùng chung một số phận...
 
Ông Trần Thanh Kỳ- Giám đốc TTGDTX-HN&DN cho biết, việc các trang thiết bị lâu ngay không được sử dụng do thiếu học sinh là một thực tế. Thời gian qua, trung tâm đã đào tạo gần 1.500 học viên, thì 2/3 số đó đào tạo tại cơ sở với các ngành nghề theo nông nghiệp với các ngành chủ yếu như thú y, thợ hồ, trồng trọt... Bởi đây là các ngành nghề thiết thực, gắn liền với các vùng ở nông thôn. Còn các ngành nghề khác thì hầu như học viên không đăng ký vì không có đầu ra. 

 

Thiết bị máy may chỉ để làm cảnh
Thiết bị máy may phục vụ dạy học.
 
Ông Trần Thanh Kỳ cũng cho biết thêm, cái khó khăn của trung tâm vẫn là học viên, để có học viên, cán bộ và nhân viên của Trung tâm nhiều lúc phải đến tận các thôn, bản trên địa bàn huyện để chiêu sinh, vận động học viên. Một điều đáng nói nữa là việc đào tạo nghề cho các học viên không chỉ hoàn toàn miễn phí, mà các học viên thuộc hộ nghèo, chính sách mỗi người còn được hỗ trợ tiền ăn... thế nhưng học viên vẫn thiếu. Chính vì học viên không mặn mà với các ngành nghề phi nông nghiệp như may, tin học, điện, gò, hàn... dẫn đến tình trạng lãng phí lớn các trang thiết bị dạy học.  
 
Có thể nói, xây dựng một TTGDTX-HN&DN ở huyện miền núi là một chủ trương đúng nhằm đào tạo, hướng nghiệp cho thanh niên miền núi, tuy nhiên đầu tư trung tâm quy mô như thế nào, ngành nghề đào ra sao cho sát, đúng với thực tế từng vùng, từng địa phương thì cần phải tính đến, và TTGDTX-HN&DN Trà Bồng là một bài học để các địa phương rút kinh nghiệm. 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.