Đừng xem giáo dục công dân là môn phụ

03:11, 01/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáo dục công dân (GDCD) là môn học rất cần thiết trong hệ thống giáo dục. Bộ môn này không chỉ dạy cho học sinh  cách làm một người công dân tốt, mà còn giáo dục cho các em rất nhiều kỹ năng sống. Tuy nhiên, hiện nay dường như cả nhà trường và học sinh (HS) đều xem GDCD là “môn phụ”, dẫn đến không mấy đầu tư cho bộ môn này.

Thiếu đầu tư cho môn học

GDCD là môn học giáo dục con người, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, ở bậc  THPT, môn học này bị coi là môn phụ, nên  HS có tư tưởng học đối phó, học vẹt. Điều này cũng thể hiện trong cách nhìn của ngành giáo dục, vì ngay trong phân phối chương trình, môn GDCD cũng ít hơn so với các môn học còn lại. Mỗi tuần các em chỉ học một tiết. Cùng với đó, môn học này không thi tốt nghiệp nên học sinh thờ ơ, thiếu đầu tư cho môn học, thiếu nghiêm túc khi học.

 Giáo viên cần khơi gợi ý thức cho các em HS về vai trò của môn GDCD.
Giáo viên cần khơi gợi ý thức cho các em HS về vai trò của môn GDCD.


Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên cũng có suy nghĩ là nhẹ nhàng trong việc cho điểm đối với bộ môn này; thiếu sự đầu tư cho bài dạy nên không tạo sự hứng thú cho học sinh trong khi học. Chính những lý do đó càng làm cho các em HS xem nhẹ bộ môn này. Em Đỗ Anh Vũ- HS lớp 11B6, Trường THPT Lê Trung Đình, cho biết: “Môn GDCD là môn học rất hay, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Tuy nhiên, đây là môn không thi tốt nghiệp nên chúng em dành ít thời gian và ít đầu tư cho môn học này, mà chỉ đầu tư vào các môn để thi hoặc xét tuyển ĐH, CĐ ”.

Thầy Nguyễn Đỡ- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình, lý giải: “Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các em HS lơ là học môn GDCD là xuất phát từ nội tại của ngành giáo dục, đó là không phải học gì thi nấy mà chỉ thi một số môn. Các em HS chỉ tập trung vào những môn thi tốt nghiệp, xét ĐH, CĐ. Điều này dẫn đến trong suy nghĩ của cả HS, phụ huynh và giáo viên là trọng môn này, nhẹ môn kia”.

Việc xem nhẹ bộ môn GDCD trong nhà trường chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy buồn. Minh chứng là, những năm gần đây, hiện tượng HS vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ HS.

Thầy Nguyễn Đỡ, cho hay: Hằng năm, khi vừa bước vào năm học mới, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập danh sách những em HS “chưa ngoan” để đưa ra cuộc họp. Trong cuộc họp này, nhà trường sẽ mời cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể của trường và địa phương, các giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh và các em HS “chưa ngoan” để cùng nhau bàn, đưa ra những giải pháp thiết thực, nhằm giúp các em nâng cao nhận thức và tiến bộ hơn trong học tập. Nhưng mọi việc xem ra vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

Để HS yêu thích môn học

Việc dạy học có hiệu quả môn học này sẽ giúp giảm thiểu những tệ nạn xã hội đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra; xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, không còn lối ứng xử thiếu văn hóa, không còn tình trạng bạo lực trong học đường, một xã hội chỉ có tình yêu thương, sự tôn trọng...

Học môn GDCD là các em được tiếp cận nhiều lĩnh vực như triết, kinh tế, thị trường, pháp luật và kỹ năng sống, bình đẳng giới, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh… Đây là những điều cần thiết trước khi bước vào giảng đường cao đẳng, đại học. Hơn nữa, đây là môn có nhiều kiến thức liên quan với cuộc sống hiện tại thì việc liên hệ giữa bài học và cuộc sống thực tiễn là điều cần thiết.

Để HS hứng thú với môn học này đòi hỏi giáo viên phải tham khảo nhiều tài liệu, tích lũy nhiều vốn sống, có kiến thức sâu rộng và truyền đạt đến HS bằng niềm say mê thực sự của mình. Cô giáo Trịnh Thị Thu Sương- Giáo viên Trường THPT Lê Trung Đình, chia sẻ: Trong từng bài học, tiết dạy, giáo viên cần phải đưa ra nhiều tình huống, những ví dụ thật sự gần gũi với cuộc sống để HS nhận xét, xử lý, lựa chọn và sau mỗi tình huống đó, giáo viên chỉ ra cho các em thấy được vấn đề đúng ở đâu và sai ở chỗ nào.

Cùng với đó, ngành GD&ĐT cũng phải xem xét lại việc phân bổ thời gian học đối với bộ môn này. Nếu làm tốt việc giảng dạy bộ môn này chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật, những hành vi thiếu văn hóa... ở lứa tuổi vị thành niên, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, xã hội lành mạnh.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.