Đạo làm thầy

09:11, 20/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù ở bất kỳ thời đại nào thì nghề dạy học vẫn luôn là nghề cao cả, luôn được xã hội tôn vinh. Dân tộc ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo” và đã được đúc kết thành câu ngạn ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”. Điều đó đã khẳng định vai trò của người thầy trong công tác giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Nhân tố quyết định chất lượng giáo dục

Nhà giáo ưu tú Trần Đình Vợi - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết, chia sẻ: “Người thầy là thành tố quyết định chất lượng giáo dục về trình độ kiến thức, nhân cách con người và cả trong môi trường cuộc sống xã hội”. Chính vì vậy mà ông bà ta có câu ca dao: “Muốn sang thì bắt cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Nhà giáo không chỉ dạy chữ, mà còn là người hướng dẫn cách học, cách ứng xử, cách tư duy cho học sinh (HS). Nhà giáo là người khơi dậy sự sáng tạo, nâng đỡ những ước mơ và đồng hành cùng các em trong quá trình đi đến ước mơ ấy. Nhân cách, tình cảm của thầy, cô giáo là tấm gương phản chiếu, là hình mẫu để HS noi theo; là mô hình, chuẩn mực để các em đạt tới và vượt lên. Vì vậy, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Tri ân thầy, cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.                                                                        Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Tri ân thầy, cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


Nhà giáo trong giai đoạn hiện nay phải có trình độ chuyên môn cao, kiến thức vững vàng để đáp ứng những yêu cầu đổi mới của ngành GD&ĐT. Mỗi thầy, cô giáo không ngừng cập nhật, bổ sung kiến thức mới, tự học và sáng tạo để làm giàu tri thức của mình; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tạo nên những bài giảng hấp dẫn, thu hút sự chú ý của HS, khơi dậy niềm đam mê, sự hứng thú trong học tập.
 

Phải hướng vào người học

Ngày nay, dạy học phải hướng vào người học. Vì thế, đòi hỏi giáo viên phải có trình độ cao về chuyên môn, năng lực sư phạm mới có thể đảm nhiệm tốt vai trò chủ đạo trong quá trình dạy. Người giáo viên không chỉ thực hiện chức năng dạy học mà còn là một nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà đạo đức… đối với HS. Để có một đội ngũ giáo viên như vậy, ngành GD&ĐT cần xem đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục hiện nay.

Suốt cả cuộc đời làm công tác giáo dục, ông Trần Ngọc Ngân- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tâm niệm, nghề giáo là nghề cao cả và được xã hội tôn vinh. Với ý nghĩa đó, bản thân ông luôn cống hiến cho giáo dục và coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Khi rời bục giảng, tham gia công tác quản lý, khuyến học khuyến tài của tỉnh, ông luôn đem hết trí lực của mình để giúp đỡ nhiều HS nghèo vươn lên trong học tập. Với ông, đó là hạnh phúc nhất của người giáo viên. Ông Ngân cho rằng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, nhà giáo cũng thể hiện đạo đức, lối sống đẹp để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Trong quá trình thực hiện đổi mới GD&ĐT, vai trò của người thầy càng được nâng lên. Giáo viên phải nỗ lực để nghiên cứu, tự học và nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp. Có như vậy chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà mới phát triển.

 Được đứng trên bục giảng là hạnh phúc lớn lao

Em Ngô Thị Thảo Liên- HS lớp 12A2, Trường THPT số 1 Đức Phổ, bộc bạch: “Các thầy, cô giáo luôn là những người có tâm và đạt chuẩn kiến thức để truyền đạt cho HS. Tuy nhiên, cách truyền đạt và nhất là truyền cảm hứng cho HS ở mỗi giáo viên có sự khác nhau, song hình ảnh mỗi thầy, cô giáo vẫn luôn lắng đọng trong trái tim chúng em". Chính tình cảm và sự quý trọng đó của HS mà mỗi thầy cô giáo đều nhận thức được trách nhiệm với nghề, luôn giữ gìn đạo lý, nhân cách của một nhà giáo, đem hết lòng nhiệt huyết, sức trẻ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Họ vẫn miệt mài bên trang giáo án, say sưa trên bục giảng. Họ đã và mãi sống hết mình để cống hiến cho sự nghiệp đầy vinh quang, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.

Người thầy là nhân tố quyết định chất lượng GD&ĐT. Trong ảnh: Thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Khiết trong một tiết học.
Người thầy là nhân tố quyết định chất lượng GD&ĐT. Trong ảnh: Thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Khiết trong một tiết học.


Nhiều thầy, cô giáo phải xa gia đình đến những vùng đất khó, vùng sâu, vùng xa để đem con chữ đến với trẻ em nghèo, trẻ em vùng cao. Chính họ là những người đã góp phần sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn với các em HS. Là một trong số những giáo viên trẻ lên công tác tại huyện miền núi, cô giáo Trần Thị Minh Chính (24 tuổi)- Giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Tây Trà, bộc bạch: “Giáo viên vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi, phải xa gia đình, điều kiện đi lại, ăn uống khó khăn, thiếu thốn các hoạt động vui chơi, giải trí… Trong khi, các em HS phần lớn chưa có tinh thần tự học; trình độ nhận thức còn nhiều khoảng cách so với HS đồng bằng. Vì thế, giáo viên phải có cái tâm với nghề, tìm hiểu, kịp thời lấp lỗ hổng kiến thức cho các em. Với tôi, được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho các em HS đã là niềm hạnh phúc lớn lao”.
 

Bài, ảnh: T.PHƯƠNG


 


.