Chuyện học chữ ở rẻo cao

01:11, 28/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là thôn xa nhất trong xã, đường sá đi lại khó khăn và nguy hiểm, nhưng từ nhiều năm nay, học trò nơi rẻo cao thôn Cả, xã miền núi Trà Hiệp (Trà Bồng) luôn nỗ lực đến trường. Sự ham học của các em và đồng lòng của phụ huynh nơi đây như tiếp thêm niềm tin vào tương lai của sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Tự lập học chữ

Từ UBND xã Trà Hiệp đến thôn Cả chỉ có con đường “độc đạo” dọc theo triền núi . Vượt qua đoạn đường dốc đứng cheo leo, trơn trượt, có đoạn đầy đá dăm lởm chởm, mất gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được điểm trường thôn Cả. Thầy Đinh Văn Nghĩa, người đã gắn bó với điểm trường này gần 10 năm nay cho hay, ở nơi rẻo cao này chỉ một cơn mưa nhẹ đổ xuống là đường rất trơn trượt. Còn khi thời tiết bất lợi, thôn Cả hầu như bị cô lập hoàn toàn.

Dù là thôn xa nhất trong xã, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng học trò thôn Cả có tinh thần ham học rất cao. Trong ảnh: Giờ học của thầy và trò tại điểm trường thôn Cả.
Dù là thôn xa nhất trong xã, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng học trò thôn Cả có tinh thần ham học rất cao. Trong ảnh: Giờ học của thầy và trò tại điểm trường thôn Cả.


Thầy Nghĩa cho biết thêm, con đường từ UBND xã Trà Hiệp đến điểm trường thôn Cả đã vất vả, nhưng đường từ nhiều nhà dân trong thôn đến điểm trường còn khó khăn bội phần. Điều đáng mừng là học trò thôn Cả luôn chăm chỉ đến trường.

Em Hồ Thị Hiền, học sinh lớp 3B, hồn nhiên kể: “Nhà con ở tổ 4, thôn Cả, cách trường 3km. Mỗi lần đến trường, con đi bộ xa lắm, nhưng đến trường có bạn rất vui. Về nhà, con tự học bài, đọc bài rồi tập viết. Năm học lớp 2, con còn được thầy cô phát thưởng”. Còn em Hồ Văn Đại thích thú: “Con đến trường được thầy dạy cho nhiều điều mới nên con thích đi học lắm, không nghỉ học bữa nào”.

Điểm trường thôn Cả là nơi dạy 42 em học sinh bán trú từ lớp 1 đến lớp 4. Ở nơi rẻo cao, cuộc sống còn lắm khó khăn, thiếu thốn, nhà nào có điều kiện thì chuẩn bị cho con bữa cơm trưa đến trường với chút cá kho mặn và rau luộc. Còn lại, đa phần các em chỉ ăn cơm trắng với muối mè. Sau giờ học buổi sáng, các em tự lấy cơm ra ăn và ngủ trưa để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều. Ấy vậy mà dù mùa nắng oi ả hay mùa mưa thối đất, học sinh thôn Cả vẫn chăm chỉ đến trường. Sĩ số lớp học luôn được duy trì đầy đủ. Hiếm có khi nào học sinh nghỉ học, chỉ trừ những hôm đau ốm. Từ nhiều năm nay, giáo viên “cắm bản" không cần phải đến từng nhà vận động học sinh đến trường.

Phụ huynh đồng lòng

Trước kia, điểm trường thôn Cả chỉ dựng bằng vách lồ ô, lợp lá tranh. Năm 2000, điểm trường được đầu tư xây dựng lại. Nhận thức được ý nghĩa việc học của con em, người dân thôn Cả huy động nhau ra vác xi-măng, chuyển cát, sắt... vào đến tận nơi xây dựng trường. Sự đồng lòng của phụ huynh đã góp sức làm nên những phòng học kiên cố, vững chãi. Con em thêm niềm tin đến trường. Đó cũng là động lực để những thầy cô giáo đứng lớp tại điểm trường nơi rẻo cao này thêm gắn bó với bục giảng.

Cô giáo Võ Thị Thái Vân, dạy lớp 1, chia sẻ, vì đường sá đi lại vất vả nên các thầy cô đều trữ sẵn mì gói. Chỉ tranh thủ những ngày nghỉ, cuối tuần, mọi người “xuống núi” mua thức ăn dự trữ. Ở đây nếu xe máy hết xăng chỉ còn cách chờ nhờ người khác mua dùm xăng lên. Nhưng mỗi lần đến lớp, thấy học sinh đi học đông đủ thì giáo viên như được động viên về mặt tinh thần.

Học trò thôn Cả sau khi hoàn thành chương trình lớp 4 tại điểm trường của thôn, tiếp tục theo học tại Trường Tiểu học & THCS Trà Hiệp, gần UBND xã. Cô Võ Thị Tư - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xã Trà Hiệp có bốn thôn đó là thôn Cưa, thôn Nguyên, thôn Băng và thôn Cả. Trong đó thôn Cả là thôn xa nhất, nhưng học sinh nơi đây có tinh thần ham học, ý thức tự giác rất cao. Sĩ số chuyển cấp của học sinh thôn Cả luôn đảm bảo. Ngay cả nhiều năm trước, chưa có chế độ hỗ trợ tiền ăn, nhưng phụ huynh thôn Cả luôn chủ động chuẩn bị xoong, nồi, gạo cho con em đến trường.

Lớp học mầm non ở thôn Cả


Tại điểm trường thôn Cả, ngoài khối tiểu học còn có khối mầm non. 12 giờ trưa, các em nhỏ đang quấn mình trong những chiếc chăn ấm, say sưa ngủ. Cô giáo Hồ Thị Cam, người đã gắn bó với lớp mầm non thôn Cả gần 15 năm cho biết, lớp mầm non tại thôn Cả có 27 em, độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. So với các em tiểu học thì khối mầm non, giáo viên phải đến nhà vận động phụ huynh cho con em đến trường vì nhiều phụ huynh còn nghĩ “con em còn nhỏ tuổi quá, chưa cần đi học”. Nhưng sau khi vận động, người dân rất có ý thức đưa trẻ dưới 5 tuổi đến trường. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và các tổ chức, phòng học được xây dựng kiên cố, trang thiết bị dạy học đầy đủ hơn so với trước kia, cùng với mô hình bán trú dân nuôi đã giúp đảm bảo số lượng trẻ đến trường.

 


Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.