Chông chênh ước mơ đến giảng đường

01:08, 19/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhận giấy báo kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, chưa dám mừng vì đạt điểm cao, nhiều thí sinh đang phải nặng  gánh âu lo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; đường đến giảng đường của các em còn lắm gập ghềnh…

Mẹ mất ngày con đi thi

Căn nhà nhỏ nằm ở cuối xóm là nơi tá túc của cô học trò nghèo Lê Thị Kim Nhàn, ngụ thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) học sinh Trường THPT Tư Nghĩa 1. Đặt ngay ngắn tờ giấy báo điểm bên di ảnh thờ mẹ, Nhàn chia sẻ đó là món quà mà em muốn gửi đến mẹ mình.

Em Nhàn phụ giúp gia đình công việc đồng áng.
Em Nhàn phụ giúp gia đình công việc đồng áng.


 Nhà Nhàn thuộc diện nghèo nhất thôn. Mẹ bị bệnh tim, 4 chị em lại đang độ tuổi đi học. Số tiền 1,5 triệu đồng phải tiêu tốn mỗi tháng để mẹ Nhàn ra Bệnh viện Trung ương Huế tái khám, nhằm duy trì sự sống suốt 6 năm ròng, khiến kinh tế gia đình Nhàn kiệt quệ. Ba Nhàn, ông Lê Văn Nhung chia sẻ: “Vợ tôi lâm trọng bệnh. Cuối năm 2014, gia đình chạy vạy vay mượn khắp nơi, cùng với sự hỗ trợ của Công ty sữa VinaSoy mới đủ tiền để  tiến hành phẫu thuật, nhưng rồi bà ấy không qua khỏi. Tui già rồi, chỉ tội mấy đứa nhỏ phải sớm mồ côi mẹ. Giờ đứa nào cũng ham học, mình cũng ráng hết sức chứ để tụi nó nghỉ học, mình không đặng”.

 Ngày 1.7, Nhàn một mình gói ghém 500 ngàn đồng, ít ỏi vào TP.Quy Nhơn dự kỳ thi THPT quốc gia. Đó cũng là ngày mẹ em trút hơi thở cuối cùng. Trước lúc mất, bà cố gượng nói lời cuối với chồng: “Chắc tui không qua khỏi. Tui mất, ông đừng báo cho con Nhàn biết, để nó yên tâm làm bài thi cho tốt”, ông Nhung nghẹn ngào kể lại.

Kết thúc môn thi cuối cùng, Nhàn bắt xe về quê ngay. Định khoe với mẹ mình làm tốt bài thi, để bà vui, nhưng rồi Nhàn ngã quỵ khi vừa đặt chân đến nhà. “Mẹ thương tụi em, không muốn mấy chị em phải nghỉ học vì nghèo”, Nhàn ngấn lệ khi nói về mẹ mình.

Là chị cả, điểm tựa cho các em, Nhàn gượng dậy sau nỗi đau, “đầu tắt, mặt tối” phụ giúp ba công việc đồng áng để có thêm tiền trang trải cho năm học mới. Cầm giấy báo điểm của con, khối A được 22 điểm, khối B được 21 điểm, mà Nhàn dự định nộp xét tuyển vào Trường Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng, ba Nhàn bộc bạch: “Vợ mất, tiền vay mượn khắp nơi gần 20 triệu đồng để chữa bệnh vẫn chưa trả hết. Giờ cả 4 đứa con chuẩn bị nhập học, thực tình tui cũng không biết xoay xở thế nào...”

Nỗ lực vượt lên nghịch cảnh

Nhà thuộc diện hộ nghèo, ba qua đời khi các em còn nhỏ, mẹ mắc bệnh, hai chị em song sinh Trịnh Thị Phương Trinh, Trịnh Thị Khánh Linh ngụ tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) cũng nặng gánh âu lo khi chuẩn bị dự tuyển vào các trường đại học.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Trinh thi khối A được 25 điểm, Linh thi khối B được 24 điểm. Hai chị em dự định vào hai trường đại học ở Đà Nẵng, để tiện cho việc ăn ở, tiết kiệm chi phí khi con đường học tập còn dài đang chờ phía trước.
Không giấu được nỗi lo, bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ của hai em bộc bạch: “Nhà nghèo, nhưng hai cháu ham học, là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm. Giờ hai đứa thi điểm cao, mình vừa mừng vừa lo, không biết kiếm đâu ra đủ tiền học phí cho các cháu nhập học trong những ngày sắp tới”.

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, muốn gánh phần nào nỗi lo cho mẹ, nên ngay sau khi thi xong, cũng là lúc một ngày mới của Linh  và Trinh bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, quần quật phụ giúp mẹ công việc đồng áng. Linh cho biết, em vừa xin được công việc ở một quán cà phê của một người họ hàng ở gần nhà. “Sắp phải đi học xa, nên em muốn tự lập ngay từ bây giờ. Nếu trúng tuyển đại học theo nguyện vọng, cả hai chị em dự định sẽ vừa đi học, vừa đi làm thêm, kiếm tiền phụ mẹ, trang trải việc học tập”.

Rời căn nhà cấp 4 nắng nóng, mưa dột nhưng đong đầy tình yêu thương, chúng tôi thầm chúc cho ước mơ của các em sẽ sớm trở thành hiện thực, dẫu con đường phía trước của các em còn lắm chông chênh, ghập ghềnh.

Bài, ảnh: THUẬN PHONG
 


.