Tiếng thơm truyền mãi

09:06, 22/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Bao giờ Thiên Mã sang sông. Thì làng Vĩnh Lại mới không công hầu”.  Từng là một ngôi làng nức tiếng xa gần khi có nhiều bậc hiền tài công danh đỗ đạt, làng Vĩnh Lại (nay là thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi) ngày nay vẫn tiếp tục nổi tiếng về tinh thần hiếu học. Con em làng Vĩnh Lại hễ thành danh thì phần lớn đều trở về góp sức cho quê hương.

Cha ông dựng xây

Làng Vĩnh Lại xưa, sau này tách ra thành làng Mỹ Khê Đông và Mỹ Khê Tây, thuộc tổng Châu, phủ Sơn Tịnh. Cách mạng Tháng Tám thành công, tên các làng được gọi theo tên của những người có nhiều công lao đối với địa phương. Làng Mỹ Khê Đông gọi là làng Trương Công Định, làng Mỹ Khê Tây gọi là làng Ngô Khiếu. Năm 1946, làng Trương Công Định được đổi lại là thôn Mỹ Lại, làng Ngô Khiếu thành thôn Mỹ Khê.

Cổng chào xóm Khê Xuân, do một người con của xóm tự nguyện góp tiền xây dựng.
Cổng chào xóm Khê Xuân, do một người con của xóm tự nguyện góp tiền xây dựng.


Làng Vĩnh Lại vốn nức tiếng xa gần, khi có nhiều bậc hiền thần giỏi giang việc nước. Dòng họ Trương ở Mỹ Khê nổi tiếng với các bậc danh thần lương đống triều Nguyễn như Trương Đăng Án, Trương Đăng Quế (Cố mệnh lương thần, Thái bảo, Cần chính điện đại học sĩ, lãnh Binh Bộ thượng thư, sung Cơ mật viện đại thần, quản lý Khâm thiên giám kiêm lĩnh Quốc tử giám sự vụ, sung Kinh diên giảng quan, sung Sử quán Tổng tài, tước Tuy Thạnh Quận Công), Trương Quang Đản (Đông các Đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán, Phụ chánh đại thần triều Thành Thái), Trương Đăng Trinh (khai khoa Tiến sĩ của đất Quảng Ngãi)…

Tự hào về những nhân tài của quê hương mình, người làng Vĩnh Lại thuở ấy mới mượn hình ảnh núi Thiên Mã (hay còn gọi là Núi Ngang, Hòn Tranh)- một ngọn núi nằm nhô sát ra sông Trà Khúc về phía nam, nhìn xa giống như hình con ngựa đang phi để khẳng định: “Bao giờ Thiên Mã sang sông. Thì làng Vĩnh Lại mới không công hầu”.

Và quả thật, đúng như lời “sấm truyền” ấy, mảnh đất- Vĩnh Lại vẫn đời đời sinh ra những bậc hiền tài cống hiến tài đức cho quê hương, đất nước. Đồng chí Trương Quang Trọng, từng giữ chức Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi, dù sống tại làng Phú Nhơn nhưng nguyên quán từ làng Mỹ Khê Tây. Đồng chí Trương Quang Giao, người đã từng giữ những chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Khu ủy Khu 5…cũng sinh ra từ mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này.

Hậu thế giữ gìn

Nếu như người đời trước dùng chính cuộc đời mình để tạo tiếng thơm, lưu danh sử sách, thì người đời sau của làng Vĩnh Lại (thôn Mỹ Lại ngày nay) tiếp tục nỗ lực, phấn đấu phát huy tinh thần hiếu học, một lòng góp sức tham gia phong trào khuyến học tại địa phương.

Các con của ông Võ Bàn, xóm Khê Hiệp, thôn Mỹ Lại- một trong những gia đình hiếu học có tiếng của Mỹ Lại, năm nào cũng tích cực đóng góp vào quỹ khuyến học của Tịnh Khê. Ông Nguyễn Tấn Đức, xóm Khê Xuân, thôn Mỹ Lại có 6 người con, thì cả 6 người đều học hành đến nơi đến chốn và thành đạt. Anh Nguyễn Tấn Toại, con trưởng của ông Đức hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp ở TP.HCM; anh Nguyễn Hữu Quang hiện đang sống và làm việc tại Canada… hằng năm đều đóng góp vào quỹ khuyến học của xã Tịnh Khê. Riêng con em xóm Khê Xuân, hễ ai đạt thành tích khá, giỏi đều được các anh liên hệ với nhà trường để trao học bổng. Tuyến đường 500m từ đường liên xã vào xóm Khê Ba, được anh Toại bỏ ra 500 triệu đồng (vào thời điểm năm 2006) để bê tông. Cổng chào xóm Khê Xuân cũng do tự tay anh Toại góp tiền xây dựng…

“Tình đồng hương ở Mỹ Lại sâu sắc lắm. Miễn là con em cùng quê mà có thành tích học tập tốt, là các thế hệ đi trước đã có việc làm, cơ ngơi ổn định sẵn sàng giúp đỡ, tìm việc giúp. Như anh Toại, ở Khê Xuân này, số người được anh tìm việc giúp, đếm không xuể đâu”, ông Võ Văn Sáu - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tịnh Khê cho biết.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.