Người lao động ở lại Hàn Quốc trái phép: Bất chấp hệ lụy

10:05, 25/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, tỷ lệ người lao động ở tỉnh ta cư trú, làm việc trái phép tại Hàn Quốc giảm so với trước. Nhiều người lao động đã ý thức hơn về lợi ích và hệ lụy nếu ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp.  Tuy nhiên, cũng không ít người bất chấp để ở lại vì cái lợi trước mắt…

TIN LIÊN QUAN

Khá lên nhờ xuất khẩu lao động

Giữa năm 2014, khi hết thời hạn lao động tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Thanh Trúc (SN 1977, ở xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi) trở về nước. Gần 5 năm làm việc ở xứ người, bằng số tiền chắt chiu được, anh Trúc đã ổn định được cuộc sống của gia đình. Sau khi về quê, anh Trúc mua thêm đất, học hỏi kinh nghiệm làm mô hình trồng cây ăn trái để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình. 5 năm trước, gia đình anh Trúc thuộc diện nghèo trong xã, việc làm không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh.

Cán bộ ở địa phương (bên trái) thăm hỏi gia đình anh Nguyễn Thanh Trúc-lao động mới từ Hàn Quốc trở về nước.
Cán bộ ở địa phương (bên trái) thăm hỏi gia đình anh Nguyễn Thanh Trúc-lao động mới từ Hàn Quốc trở về nước.


Thời điểm đó anh lại gây tai nạn giao thông khiến người khác bị thương, số tiền bồi thường khá nhiều nên cuộc sống gia đình càng thêm vất vả. Khi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, anh Trúc đã chăm chỉ làm việc, hằng tháng gửi về cho gia đình khoảng 30 triệu đồng. “Số tiền đó là cứu cánh cho gia đình tôi. Nếu tôi ở nhà thì hằng tháng có thể kiếm được 3 triệu đồng cũng là điều khó”, anh Trúc bộc bạch. Anh Trúc cho biết, đến hạn về nước anh cũng đã có ý nghĩ trốn ở lại làm tiếp vì thu nhập khá cao. Tuy nhiên, sau khi đắn đo suy nghĩ, anh đã quyết định về nước. “Ở nước ngoài, xa vợ con, thiếu thốn tình cảm. Khi có số vốn kha khá rồi thì không gì bằng gần gia đình. Với lại trốn ở lại là trái với quy định nên tôi quyết định về”, anh Trúc nói.

Cũng như anh Trúc, mới đây anh Huỳnh Phan Vũ (SN 1988, ở xóm Chánh Hội, xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn) cũng về nước sau nhiều năm lao động tại Hàn Quốc. Anh Vũ cho hay: “Lao động bất hợp pháp bị cảnh sát truy bắt gắt gao, phải sống chui lủi, không được luật pháp bảo vệ. Trong khi đó, lao động về đúng hạn lại được hưởng chế độ ưu đãi, có thể  ưu tiên tiếp tục được xuất khẩu lao động nên khi gần hết hạn tôi làm thủ tục về nước”. Thời gian này, anh Vũ đang chuẩn bị xây dựng lại nhà cửa từ số tiền kiếm được từ Hàn Quốc. Cuộc sống gia đình anh Vũ giờ cũng khá lên rất nhiều nhờ xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Vì cái lợi trước mắt

Không phải tất cả lao động đang làm việc tại Hàn Quốc ai cũng nghĩ được như anh Trúc, anh Vũ. Nhiều người vì cái lợi trước mắt mà bất chấp việc định cư bất hợp pháp, đến hạn về nước nhưng trốn ở lại Hàn Quốc.  Đơn cử như trường hợp của anh Trần Ngọc Khoa (SN 1982, ở xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi) đi lao động Hàn Quốc từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa trở về dù đã hết hạn hợp đồng từ lâu. Ông Trần Ngọc Thủy (bố  của anh Khoa) cho biết, đã nhiều lần khuyên con trở về nhưng không được, liên lạc cũng khó khăn vì không biết địa chỉ. “Tôi khuyên mãi mà nó không chịu về, nó ở bên đó bất hợp pháp, gia đình cũng không yên tâm”, ông Thủy tâm sự.

Trường hợp của anh Khoa chỉ là một trong hàng trăm lao động trong tỉnh hiện đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Các xã có nhiều lao động cư trú trái phép ở Hàn Quốc như: Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Bình Châu (Bình Sơn)... Cơ quan chức năng ở tỉnh đã tuyên truyền, vận động lao động về nước đúng thời hạn; danh sách người lao động đã hết hạn hợp đồng, sắp hết hạn hợp đồng được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các phường, xã, thị trấn. Đồng thời, danh sách người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc được thông báo thường xuyên trên Đài phát thanh phát lại truyền hình huyện, thành phố và Đài truyền thanh các xã...

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều trường hợp lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh có 21/50 lao động về nước đúng hạn, số còn lại lao động bất hợp pháp và cư trú trái phép tại Hàn  Quốc. Cũng trong năm 2014, tỉnh ta có 6 lao động bất hợp pháp và cư trú trái phép ở Hàn Quốc bị xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013 NĐ-CP của Chính phủ với số tiền 100 triệu đồng/người.

Hiện nay tỉnh ta có khoảng 700 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, năm 2015 có 76 lao động hết hạn hợp đồng, phải về nước. Trên cơ sở danh sách do Trung tâm Lao động ngoài nước cung cấp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố có nhiều người làm việc tại Hàn Quốc tuyên truyền người nhà hiểu về chính sách của Chính phủ hai nước đối với các trường hợp lao động cư trú bất hợp pháp và lao động thực hiện đúng hợp đồng. Đồng thời, tổ chức cho người nhà cam kết với chính quyền địa phương trong liên lạc, phối hợp vận động con em thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng hạn.

Ông Nguyễn Duy Nhân-Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh đề nghị, trong thời gian tới các địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa theo phương châm đến từng hộ gia đình, động viên, yêu cầu ký cam kết. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm khuyến cáo lao động về nước đúng hạn. Việc lao động về nước đúng hạn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh lao động Việt Nam, duy trì, giữ vững thị trường lao động Hàn Quốc để tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: Vũ Yến
 


.