​Dự kiến bậc THPT sẽ có 5 môn bắt buộc

03:04, 13/04/2015
.

Ngày 12-4, hội thảo “Những nội dung chính của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD-ĐT tổ chức đã khai mạc tại TP Huế.

Hội thảo kéo dài đến trưa 14-4, đại diện các trường ĐH, CĐ và sở GD-ĐT các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế được mời cùng thảo luận, góp ý kiến cho chương trình mới này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, người chủ trì hội thảo, cho biết khác với chương trình hiện nay, chương trình phổ thông mới được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ lớp 1 đến lớp 9, chương trình sẽ mang tính tích hợp cao, tránh chồng chéo, giảm số môn học; học xong giai đoạn này coi như hoàn thành khối kiến thức phổ thông cơ bản, có tính nền tảng.

Giai đoạn 2 ở bậc THPT, chương trình sẽ phân hóa cả nội dung lẫn hình thức dạy học, cơ bản trang bị cho học sinh biết và định hướng được nghề nghiệp cho mình. Ngoài một số môn bắt buộc, học sinh sẽ được tự chọn một số môn học và một số chuyên đề học tập tiếp cận với từng lĩnh vực nhất định. Do đó, hình thức và phương pháp tổ chức dạy học sẽ khác với hiện nay rất nhiều. Kể cả cách đánh giá học sinh, chú trọng đến năng lực chứ không phải chỉ bằng trí nhớ...

Theo ông Đỗ Ngọc Thống - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chương trình THPT mới dự kiến có năm môn bắt buộc là: toán, văn - tiếng Việt, ngoại ngữ, công dân với Tổ quốc, giáo dục thể chất - thể dục thể thao.

Còn lại là hệ thống môn tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn. Riêng ở chuyên đề học tập cũng có hai hệ thống gồm: hệ thống chuyên đề mở rộng nâng cao những môn học bắt buộc và các môn cơ bản để thi đại học (toán, lý, hóa, sinh, sử, địa...); hệ thống chuyên tiếp cận nghề nghiệp, giới thiệu những hiểu biết chung có tính chất nhập môn để học sinh hiểu những ngành học sắp tới tham gia...

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD-ĐT không cầu toàn trong việc xây dựng một chương trình hoàn thiện.

“Quan điểm bây giờ là chương trình phát triển liên tục. Mình không có kiểu gì nghĩ ra chương trình ổn định cho suốt mười năm cả. Nó phải được điều chỉnh. Điều chỉnh cho đến lúc nào không thể điều chỉnh được nữa thì mình bỏ đi, thay một chương trình khác. Còn tình trạng sách giáo khoa em lấy của anh học, con lấy của bố mẹ học, chuyện ấy xưa rồi!” - ông Hiển nói.

 

Theo THÁI LỘC /Tuổi Trẻ Online

 


.