Khi hiệu trưởng đứng lớp…

02:02, 03/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua trên địa bàn tỉnh có không ít hiệu trưởng chưa làm tốt vai trò của mình, chưa thực hiện tốt việc đứng lớp theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải chỉ là tiền phụ cấp mà hiệu trưởng đứng lớp có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần hỗ trợ trong việc quản lý tốt hơn.

TIN LIÊN QUAN

heo quy định của Bộ GD&ĐT, ở các trường trung học, hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần,  hiệu phó 4 tiết/tuần và được hưởng 30% phụ cấp đứng lớp. Ông Nguyễn Địch-Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, người làm công tác quản lý tham gia giảng dạy sẽ giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh cũng như những khó khăn trong công tác dạy và học. Qua đó cũng giúp hiệu trưởng tiếp cận được những đổi mới trong chương trình, cách ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh… Từ đó hiệu trưởng sẽ có hướng điều chỉnh để có cách dạy phù hợp; đồng thời điều chỉnh công tác quản lý để không bị lạc hậu trước những đổi mới của ngành giáo dục.

Đứng lớp giúp hiệu trưởng thực hiện tốt hơn vai trò quản lý về chuyên môn. Trong ảnh: Thầy và trò Trường THPT số 1 Tư Nghĩa.
Đứng lớp giúp hiệu trưởng thực hiện tốt hơn vai trò quản lý về chuyên môn. Trong ảnh: Thầy và trò Trường THPT số 1 Tư Nghĩa.


Ông Địch cũng cho biết thêm, trong quá trình giảng dạy, tiết dạy của hiệu trưởng cũng có giáo viên dự giờ. Do đó người quản lý phải đầu tư cho chuyên môn. Điều này giúp hiệu trưởng tăng tính thuyết phục trong góp ý với giáo viên. Qua những tiết lên lớp, học sinh sẽ có điều kiện tiếp xúc để gần gũi, chia sẻ tâm tư cùng với hiệu trưởng. Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây thì cho rằng, việc hiệu trưởng đứng lớp sẽ giúp bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp khi đứng ở vị trí của một giáo viên. Hơn nữa, hiệu trưởng là người quản lý chương trình, nắm cấu trúc chương trình. Vì vậy, việc hiệu trưởng đứng lớp sẽ giúp cho việc áp dụng những phương pháp dạy học mới có tính logic hơn.

Theo ông Trần Minh Phương-Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà, hiệu trưởng không tham gia đứng lớp sẽ không nắm bắt được tâm lý của giáo viên và học sinh. Điều này sẽ dẫn đến cái nhìn phiến diện, một chiều. Một số hiệu trưởng biện minh rằng công tác quản lý có quá nhiều việc không thể dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chuyên môn giảng dạy. Có hiệu trưởng đối phó bằng cách chọn những môn không qua đào tạo để dạy cho học sinh. Nhiều nhất là môn giáo dục công dân.

Không thể phủ định vai trò của bộ môn giáo dục công dân trong việc góp phần giáo dục ý thức công dân. Tuy nhiên, trên thực tế  môn giáo dục công dân không phải là môn thi tốt nghiệp, nên nhiều học sinh có ý xem nhẹ bộ môn này. Còn bản thân hiệu trưởng chọn những môn này để vừa không làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em, vừa đảm bảo được yêu cầu đứng lớp của mình.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tựu- Chánh văn phòng Sở GD&ĐT khẳng định, việc thực hiện quy định về số tiết đứng lớp của hiệu trưởng sẽ có rất nhiều lợi ích đối với người quản lý, giúp chỉ đạo sâu sát về chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Tựu cũng cho biết thêm, đối với những trường hợp hiệu trưởng không đứng lớp nhưng được hưởng phụ cấp, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi. Hằng năm, Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn. Đồng thời, Thanh tra Sở cũng thường xuyên tổ chức thanh tra, kể cả thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm.

Bài, ảnh: T.PHƯƠNG
 


.