Dạy trẻ trong điều kiện thiếu thốn

02:12, 07/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, các cô nuôi dạy trẻ mầm non ở xã Đức Phong (Mộ Đức) đã tìm mọi cách để cơi nới, che chắn phòng học đáp ứng nhu cầu dạy học cho trẻ.  


Phòng học mưa tạt, gió lùa  

Ảnh hưởng bão số 4, Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa to. Trường học mầm non xã Đức Phong phân hiệu thôn Lâm Hạ lại nằm gần biển nên mưa tạt vào và gió thổi hun hút. Vì cơ sở vật chất tạm bợ, nên mấy ngày qua các cô nuôi dạy trẻ phải  tìm tôn, giấy cạt-tông để che chắn phòng học. “Mùa này, giữ ấm không khéo là các cháu dễ nhiễm cảm lạnh, ho, sốt... ngay. Trẻ nhỏ mà...!” – cô giáo Nguyễn Thị Hướng đang che chắn phòng cho trẻ bảo.
 
Phòng quá chật chội các cháu phải sinh hoạt, ăn uống trong phòng học tạm do các cô cơi nới thêm.
Phòng quá chật chội các cháu phải sinh hoạt, ăn uống trong phòng học tạm do các cô cơi nới thêm.

Phân hiệu mầm non thôn Lâm Hạ chỉ có hai phòng học mượn tạm của trường tiểu học xã, nhưng nhu cầu gửi trẻ bán trú và trẻ đến trường đúng độ tuổi đến 95 cháu. Theo quy định của ngành giáo dục, tính bình quân ở lớp học mỗi trẻ phải có diện tích vui chơi ca hát, ngủ nghỉ là 1,2m. Vì chỉ có hai phòng, diện tích lại nhỏ hẹp nên các cô phải cơi nới thêm hai phòng để dạy trẻ. Tuy nhiên, do  kinh phí đóng góp của các bậc phụ huynh hạn hẹp nên  phòng học chỉ có mái lợp tôn xi măng, còn xung quanh phòng học các cô phải tận dụng giấy cạt-tông, tấm panô hay tôn mỏng che chắn chắp vá.

Xã Đức Phong có 5 thôn, nhưng có trên 20 nghìn dân. Vì thế số lượng trẻ ra lớp đúng độ tuổi cũng khá lớn. Toàn xã có 405 cháu, với 16 nhóm lớp, với độ tuổi từ 34 tháng tuổi đến 5 tuổi. Các thôn đều đã có trường mầm non, tuy nhiên cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, ọp ẹp nên có nhiều điểm trường các cô phải cơi nới thêm.

Tại điểm trường chính hiện tiếp nhận 120 cháu bán trú. Các cháu được nuôi dạy, ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ qua trưa trong bốn phòng học. Trong đó, có hai phòng được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng từ lâu nay cũng đã xuống cấp, ẩm thấp. Hai phòng còn lại, nhà trường cũng vay mượn giáo viên để xây dựng tạm bợ. Hiện các phòng học này cũng quá tải.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Phong Trương Thị Dưỡng, cho biết: “Phòng học thiếu, phòng chức năng, phòng làm việc cũng thiếu và chật chội. Biết vậy,  nhưng phải nhận các cháu, chứ không thể nào khác được nên phòng học vốn đã thiếu lại càng thiếu nhiều hơn”.  

Cần quan tâm cải thiện phòng học  

Vì yêu nghề, thương trẻ mà đội ngũ giáo viên mầm non xã Đức Phong không ngừng nỗ lực phấn đấu trong điều kiện thiếu thốn. Họ không chỉ nỗ lực trong cách chăm sóc các trẻ, mà còn có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn. Toàn trường có 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 20 cô trực tiếp đứng lớp phần lớn có trình độ đại học. Hằng năm các cô còn tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng về đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá việc học các cháu, cách giảng dạy theo chuẩn kiến thức để dạy các cháu tốt hơn.

 Cách chăm sóc trẻ của các cô không chỉ để lại tình cảm cho các trẻ, mà tạo sự an lòng đối với các bậc phụ huynh khi gửi gắm con em mình. Nhiều năm qua, dư luận tốt về trường đã được lan tỏa. Dựa trên các tiêu chí của ngành, UBND tỉnh đã tặng bằng khen liên tiếp trong hai năm học 2011 – 2012, 2012 – 2013 cho tập thể nhà trường. Tuy vậy, vấn đề quan tâm là phải cải thiện điều kiện dạy học. Bởi trước hết là đáp ứng nhu cầu của các cháu và thứ đến là tạo điều kiện để trường đạt chuẩn Quốc gia.

Theo tiêu chuẩn nông thôn mới, mỗi xã phải xây dựng hệ thống trường mầm non ở ba điểm. Ngoài điểm trường chính, xã còn được đầu tư hai điểm trường phụ có cơ sở vật chất đáp ứng cho trẻ bán trú. Nhưng thực tế, cơ sở vật chất ở xã Đức Phong thì chẳng biết bao giờ mới đạt được danh hiệu trường chuẩn.

Ông Phạm Thanh Bình- Bí thư Đảng ủy xã Đức Phong, cho hay: “Từ nguồn kinh phí của ngành giáo dục, huyện đã bố trí cho xã được 2,1 tỷ đồng để xây dựng 3 phòng học ở điểm trường chính. Còn các điểm phụ thì phải huy động xã hội hóa giáo dục”. Nhưng, ở xã Đức Phong có quá nhiều hộ cuộc sống khó khăn, nên chưa thể huy động được kinh phí xây dựng trường học tốt hơn. Đây là điều mà địa phương cần quan tâm để các cô nuôi dạy trẻ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
 
Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.