Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

10:11, 26/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chất lượng dạy và học ở bậc trung học trên địa bàn toàn tỉnh đang đặt ra nhiều mối quan tâm. Giữa thực tế khảo sát và kết quả đánh giá chất lượng giáo dục ở các bậc học nhiều năm qua cho thấy có độ vênh khá lớn. Hội thảo chuyên đề: Nâng cao chất lượng dạy và học bậc trung học do Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức trung tuần tháng 11 vừa qua cũng là nhằm tìm lời giải cho vấn đề trên.

TIN LIÊN QUAN

Nhìn nhận đúng…

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh, nói: Phân định rõ công tác quản lý nhà nước với quản trị của các cơ sở giáo dục. Tập trung đào tạo đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu. Triển khai xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất. Đánh giá trung thực, chính xác, khách quan đối với học sinh. Phát huy và tôn trọng tính sáng tạo của học sinh, tránh áp đặt một chiều, gắn chặt giữa đào tạo lý thuyết với thực hành. Quan tâm đến việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: Thực tế vừa qua có sự chênh lệch quá lớn giữa thực trạng và kết quả giáo dục bậc học trung học trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều trường đạt chuẩn quốc gia nhưng tỷ lệ học sinh yếu kém còn quá cao. Nguyên nhân đó bắt nguồn từ việc thiếu cơ sở vật chất, học sinh mất căn bản từ bậc tiểu học. Ngoài ra, cũng phải kể đến những hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn của ngành giáo dục... “Nói một cách khách quan, nguyên nhân chính vẫn là trách nhiệm, năng lực của cán bộ quản lý và trình độ của đội ngũ giáo viên đứng lớp còn hạn chế”, ông Dụng nhấn mạnh.

Đồng tình với nhìn nhận của lãnh đạo Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Văn Cáng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Minh Long, nói rõ thêm: “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực trạng của ngành. Nhà giáo mang tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục nhưng có một bộ phận nhà giáo thừa chuẩn về trình độ chuyên môn, nhưng lại thiếu về năng lực sư phạm, có người thiếu cả cái tâm với nghề. Chất lượng giáo viên hệ cử tuyển cũng chưa đảm bảo”.

Thầy Lương Thành Hưng- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết thêm những bất cập từ cơ sở: Năm học 2012- 2013, trường đã thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn và đã phát hiện những tồn tại cố hữu trong ngành. Đó là, cách thức của người dự giờ chưa thay đổi so với cũ. Dự giờ là mục tiêu để học sinh hoạt động nhiều nhất, giáo viên ngồi dự để nhìn nhận những hoạt động của học sinh. Nhưng trên thực tế, mục đích của người dự giờ vẫn là đánh giá, mổ xẻ hoạt động của giáo viên đứng lớp. Sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề cũng có nhiều khó khăn, nhất là trong định hướng nội dung và định hướng năng lực về tài liệu. Sở GD&ĐT cần sớm có công văn hướng dẫn để giáo viên tiếp cận tốt hơn đối với vấn đề này.

…Để có lời giải cụ thể

Tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục bậc trung học trong bối cảnh hiện nay là điều không phải dễ, nhưng không phải không làm được. Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Dụng yêu cầu, kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm học 2015-2016 nhất quyết tỷ lệ yếu kém phải xuống 40%. Để có kết quả này, các Phòng GD&ĐT phải chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, chỉ đạo sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn. Hiệu trưởng từng trường tùy theo điều kiện thực tế mà tổ chức cho học sinh yếu kém học  chương trình 2 buổi/ngày để lấp lỗ hổng kiến thức.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi.


Đại diện tổ Ngữ văn, Trường THPT số 2 Mộ Đức, cho biết: Trước thực trạng một bộ phận học sinh coi nhẹ bộ môn Ngữ văn, tổ Ngữ văn đã tham mưu cho trường đổi mới kiểm tra đánh giá đối với môn Ngữ văn. Theo đó, phạm vi kiểm tra từ 45- 90 phút, trong đó có cả bài kiểm tra cuối học kỳ. Hình thức kiểm tra tự luận và trắc nghiệm kết hợp tự luận. Cấu trúc đề được thay đổi hoàn toàn (trong hoặc ngoài chương trình). Quy trình ra đề kiểm tra tiến hành theo ma trận; tổ xây dựng hướng dẫn chấm điểm...

Với cách làm này, học sinh hứng thú hơn với môn học, giúp phân loại được chất lượng học sinh. Tổ Ngữ văn của trường cũng kiến nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT khi cho xây dựng kế hoạch 37 tuần thì chuyển bài viết về nhà sang viết tại lớp để có chất lượng hơn. Còn thầy Đinh Duy Quang- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP. Quảng Ngãi) thì kiến nghị Sở GD&ĐT sớm có hướng dẫn ra đề thi học kỳ I. Đề thi phải từng bước hướng vào tiếp cận với đề thi quốc gia.

Ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nói rõ thêm: Ngành chấp nhận phá vỡ cấu trúc phân phối chương trình, nhưng không thay đổi số tiết giảng dạy khi bóc tách các đơn vị kiến thức thành một chủ đề. Sinh hoạt tổ chuyên môn mới và khó, lãnh đạo nhà trường nên tham khảo thêm nội dung tập huấn của các môn. Nhà trường tập trung đánh giá học sinh, giáo viên đúng thực chất, không chạy theo thành tích, không đổ lỗi khách quan, nếu giáo viên thực hiện hết trách nhiệm nhưng học sinh không tiến bộ thì mạnh dạn cho lưu ban. Thời gian đến, các trường THPT tập trung cho công tác dạy và học, chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia 2015.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.