Lại chuyện dạy thêm, học thêm

09:10, 30/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện và bổ sung kiến thức của người học. Tuy nhiên, vẫn có một số giáo viên có biểu hiện “ép” để học sinh phải học thêm, gây ra dư luận không tốt

TIN LIÊN QUAN


Ra đề khó đánh đố học sinh

Một tuần sau sự việc thầy Phạm Quang Liêm, giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THPT Số 1 Bình Sơn “ép” học sinh học thêm, chúng tôi có mặt tại ngôi trường này.

Vẫn chưa hết bức xúc, một học sinh của lớp 12C3 do thầy Liêm chủ nhiệm xin được dấu tên chia sẻ: Trên lớp thầy Liêm không nói rõ là bắt tụi em phải đi học thêm thầy, nhưng cách cư xử thì đã rõ. Tiết dạy của thầy rất nặng nề, bài kiểm tra thì vô cùng khó, hầu hết ở nội dung nghe qua băng. Giỏi đến mấy nếu không đi học thêm thầy cũng mù tịt.

Điều đáng nói, thầy Liêm chủ nhiệm lớp này từ năm lớp 10, lớp 11 và giờ là lớp 12. Bài kiểm tra 15 phút, hầu như dưới điểm trung bình, ngoại trừ các bạn đi học thêm của thầy. Hai năm học trước các em cố chịu đựng, còn năm nay là năm cuối cấp, nếu thầy cứ tiếp tục dạy như thế này, các em lo ngại sẽ hổng kiến thức lấy đâu mà thi cử.

 

Bản chất của việc học thêm là  tốt
Bản chất của việc học thêm là tốt vì giờ học trên lớp không thể nào giúp các em lĩnh hội được hết các kiến thức. Ảnh minh hoạ



Phải thừa nhận rằng, thực trạng này không chỉ xảy ra ở Trường THPT Số 1 Bình Sơn. Hàng xóm tôi có cháu bé tên Thu là học sinh lớp 8 của một trường ở nội thành phố Quảng Ngãi. Nhìn lịch học thêm của cháu mà tôi thấy choáng. Ngoài giờ học ở lớp, cháu phải chạy số đi học thêm tới 6 thầy, cô giáo của các bộ môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh và học kèm tại nhà. Riêng bộ môn Toán cháu vừa học thêm thầy dạy trên lớp vừa học thêm một cô giáo về hưu và một cô giáo dạy kèm tại nhà.

Cháu Thu than thở: “Ở trên lớp thầy dạy một đằng, ra đề kiểm tra một nẻo. Thầy cho đề kiểm tra toàn nội dung học thêm nếu không học là “toi”. Mà nghẹt nổi thầy dạy không hiểu nên con phải học thầy để có đề kiểm tra mang cho cô giáo về hưu giải giúp. Bài nào “bí” lại nhờ cô dạy kèm tại nhà”.

“Thấy con học ngày, học tối, nhiều khi cũng rất thương cháu. Nhưng cả lớp nó đứa nào cũng vậy mình không cho con học lại lo”- chị Chung, mẹ cháu Thu bộc bạch.

Là người đứng trên bục giảng gần 25 năm, một thầy giáo tên Hoàng dạy môn tiếng Anh ở trường THPT Huỳnh Thúc Kháng từng tâm sự với tôi. Thầy rất buồn vì ngày nay không ít giáo viên vì danh lợi mà quên đi việc dạy chữ dạy người.

Lúc con thầy mang về đề kiểm tra giống y chang bài thầy giáo dạy thêm ở nhà mà con mới nhờ mình giải giúp hôm qua, cảm xúc của thầy đi từ bức xúc đến thất vọng.

Đừng để nói mãi thành nhàm!

Nhiều quy định của Bộ cũng đã được ban hành, sau đó, các địa phương cũng nhanh chóng ra các quy định chấn chỉnh tình trạng này, nhưng đâu lại vào đấy. Nhiều ý kiến cho rằng, dạy thêm, học thêm giờ “nói mãi thành nhàm”.

Vì quá bức xúc và lo lắng nên các em học sinh Trường THPT Số 1 Bình Sơn mới mạnh dạn kiến nghị lên Sở GD&ĐT. Vụ việc xảy ra tại khiến nhiều người “bất ngờ”. Bất ngờ ở đây không phải là chuyện dạy thêm, học thêm mà ở chỗ, học sinh dám công khai đấu tranh với tiêu cực.

Qua sự việc, nhiều người cho rằng, học sinh thời nay dân chủ quá mức, nhưng hãy đặt mình vào học sinh để hiểu rằng đó là nguyện vọng chính đáng của các em.

Thầy Hồ Tấn Sỹ- Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 Bình Sơn thừa nhận: Cách cư xử của thầy Liêm là chưa tốt, có biểu hiện ép học sinh, thầy Liêm cũng thừa nhận cách kiểm tra của mình là khó. Nhà trường đã tiến hành kiểm điểm và điều chuyển giáo viên khác làm chủ nhiệm lớp 12C3 thay thầy Liêm.

Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện và bổ sung kiến thức của người học. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân một số giáo viên có tư tưởng “ép” để học sinh phải học thêm, dẫn đến áp lực học hành quá lớn cho các em.

Vấn đề đặt ra ở đây là ngành giáo dục cần quyết liệt, quản lý cho phù hợp, để dạy thêm, học thêm có thể phát huy được những mặt tích cực, góp phần nâng cao kiến thức cho học sinh.


Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.