Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mộ Đức: Chìa khóa ổn định cuộc sống

09:09, 26/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mộ Đức là một trong những huyện đi đầu trong tỉnh về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Không chỉ chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp, huyện còn đào tạo nhiều nghề phi nông nghiệp nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống.  

TIN LIÊN QUAN

Người dân ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong suốt một thời gian dài, năng suất cây lúa đạt thấp. Thế nhưng kể từ sau khi người dân tham gia lớp học trồng lúa năng suất cao, sản lượng vụ mùa tăng lên rõ rệt. Ông Võ Thành (thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp) là một trong số 30 học viên của khóa học trồng lúa năng suất cao trong vụ hè thu vừa qua cho biết: “Trước đây bà con mình làm nông dựa theo kinh nghiệm.

 Nhiều chị em sau khi được đào tạo nghề may đã có việc làm ổn định.
Nhiều chị em sau khi được đào tạo nghề may đã có việc làm ổn định.


Sau khi tham gia lớp học, tôi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vụ mùa vừa qua năng suất mấy sào lúa của gia đình tăng lên khá nhiều”. Theo ông Huỳnh Văn Như - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp, mô hình đào tạo nghề trồng lúa năng suất cao đã mang lại hiệu quả đáng kể tại địa phương. Hiện nay, đã có 70% diện tích trồng lúa của địa phương thực hiện theo mô hình này. Sản lượng lúa của xã Đức Hiệp cao nhất huyện Mộ Đức.

Không chỉ đào tạo nghề nông nghiệp, một số mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cũng đã giúp cho một bộ phận không nhỏ người lao động nông thôn ở huyện Mộ Đức có nghề nghiệp ổn định. Điển hình như nghề may công nghiệp. Xưởng may của chị Nguyễn Thị Như Hải (xã Đức Lợi) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương. Chị Hải cho biết, lúc đầu xưởng của chị chỉ có 1 máy, chuyên may và ráp quần áo gia công.

Đơn đặt hàng nhiều, muốn tuyển thêm lao động nhưng rất “căng”, vì chị em ở địa phương tuy nhàn rỗi, nhưng lại không biết nghề may. Chị Hải đã vận động một số chị em vào xưởng vừa học vừa làm. Hội LHPN xã cũng đã tổ chức nhiều lớp may gia công. Nhiều chị em đăng ký học. Nguồn lao động đối với nghề may cũng từ đó trở nên dồi dào. Chị Hải đã mua  thêm 8 máy may để đáp ứng nhu cầu làm việc, đồng thời liên hệ với các cơ sở may mặc ở TP. Hồ Chí Minh để nhận hàng gia công.

Toàn xã Đức Lợi hiện có 8 cơ sở may gia công tại nhà, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động nữ. Ở các xã Đức Chánh, Đức Nhuận… cũng có nhiều cơ sở may gia công tại nhà, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, giúp các chị có được việc làm, ổn định cuộc sống. Ông Đinh Công Thuyên – Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Mộ Đức cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 33 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 950 học viên, trong đó có 15 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Hầu hết các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp đem lại hiệu quả cho người lao động sau khi hoàn thành khóa học. Kết quả này đã góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.   
 

Bài, ảnh: Vũ Yến

 


.