Nỗi lo trước thềm năm học mới

08:08, 20/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ mỗi dịp đến năm học mới, những gia đình nghèo, có thu nhập không ổn định lại nơm nớp lo âu chuyện kinh phí cho con em mình trở lại trường lớp.

TIN LIÊN QUAN

Vui buồn ngày khai trường

Những ngày này, học sinh các trường THCS,  THPT đã bắt đầu quay trở lại trường học. Cùng với niềm vui, niềm hân hoan đến trường sau những ngày nghỉ hè  của các em là bao nỗi lo âu, trăn trở  của các bậc cha mẹ. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì  các khoản chi phí cho dịp đầu năm học mới của các con luôn là một gánh nặng. Ở những vùng quê, khi mà các bậc cha mẹ quanh năm với ruộng đồng, hay đồng lương công nhân ít ỏi  thì khoản tiền vài triệu đồng để mua sắm cho các con mình bước vào năm học mới là cả một sự cố gắng, chắt chiu.

 

 Nhiều phụ nữ, học sinh cặm cụi phân loại ớt để kiếm tiền lo cho năm học mới.
Nhiều phụ nữ, học sinh cặm cụi phân loại ớt để kiếm tiền lo cho năm học mới.


Chị Nguyễn Thị Tâm, ở Bình Chánh (Bình Sơn) chia sẻ: Năm nay, con gái của tôi bước vào lớp 1, cậu con trai vào lớp 4. Vợ chồng tôi chỉ có vài sào lúa và dăm ba con heo, bình thường tằn tiện lắm thì cũng đủ ăn, không đến nỗi nào nhưng  giờ  năm học mới đã tới, bao nhiêu thứ phải mua, phải sắm cho các con nên cũng rất lo. Cùng nỗi lo với chị Tâm, chị Phạm Thị Thanh Hoa ở Bình Hải (Bình Sơn) cho biết: Con trai lớn của chị đang học Đại học năm thứ 2, còn hai đứa con gái, đứa lớp 9, đứa lớp 11. Đầu năm học mới quả là gánh nặng  làm chị mất ngủ nhiều đêm.

Với thu nhập 3 triệu đồng/tháng từ lương công nhân của chồng chị cộng với thu nhập hằng ngày chị bán cá ở chợ, trung bình mỗi tháng thu nhập của gia đình khoản 5 triệu đồng. Với khoản thu nhập đó, cũng  vừa đủ trang trải chi tiêu cho gia đình. Nhưng năm học mới đến, khoản tiền đó không thấm vào đâu khi phải chuẩn bị quần áo, sách vở, học phí cho các con. Khó khăn là vậy nhưng anh chị vẫn cố gắng cho các con học hành tới nơi tới chốn. Chị Hoa chia sẻ: Tụi nhỏ nhà tôi nó học khá lắm, lại rất chăm chỉ và ham học. Dù vợ chồng tôi có phải vất vả, bươn chải đến thế nào cũng sẽ cố gắng lo cho các con.

Cùng chung nỗi lo với cha mẹ…

Đối lập hoàn toàn với bức tranh ngày hè của những trẻ em có điều kiện được cha mẹ cho đi du lịch hay học thêm trong dịp hè thì  nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tranh thủ những ngày nghỉ hè để bươn chải kiếm tiền phụ giúp ba mẹ lo tiền đến trường. Trong cái nắng gay gắt của ngày hè, em Đinh Văn Nam (9 tuổi) ở Bình An (Bình Sơn) lại lủi thủi chăn cả một đàn bò 6 con. Dáng người em nhỏ bé, phải cố gắng lắm em mới lùa được đàn bò vào núi.

Em Nam nói: Đàn bò của nhà em chỉ có 2 con, 4 con còn lại là của nhà hàng xóm, họ không có người chăn nên gửi em chăn hộ. Mỗi ngày họ trả cho em 8.000 đồng. Em chăn giùm họ cũng được hơn một tháng nay rồi. Nhà em nghèo lắm, ba mẹ làm rẫy quanh năm vất vả, lại còn mấy đứa em nhỏ nên những năm học trước em chưa bao giờ được mặc bộ quần áo mới. Nhìn em gầy gò, đen nhẻm, đôi mắt em sáng lên khi nghĩ đến việc được mặc bộ đồ mới đến trường khiến người ta không khỏi chạnh lòng.

 Em Nguyễn Thị Mỹ Linh, 10 tuổi, xã Bình Trung (Bình Sơn), hằng ngày  theo mẹ đến điểm thu mua ớt để làm thuê. Giữa mùa hè nóng bức, mùi cay nồng của ớt xộc vào mũi rất khó chịu, vậy mà em vẫn cặm cụi ngồi lặt cuống ớt, phân loại ớt. Với sức của em, mỗi ngày em có thể làm được  8 -10 kg ớt. Mỗi ký ớt được chủ vựa trả khoảng 3.000 đồng, nên mỗi ngày làm chăm chỉ cũng có khoảng 25.000 đến 30.000 đồng. Em Linh cười nói: Ba em làm công nhân dưới Dung Quất, mẹ ở nhà nội trợ. Tranh thủ ngày hè, em đi làm kiếm thêm tiền phụ bố mẹ mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới. Công việc này cũng tương đối vừa sức với em nên em không thấy vất vả, chỉ cần kiếm được tiền, chia sẻ được phần nào khó khăn với bố mẹ là em thấy vui rồi.


Bài, ảnh: Trúc Giang
 


.