Cán bộ, nhân viên tại Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố:
Những trường hợp nào được xác định là công chức?

10:08, 27/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng trên địa bàn tỉnh, có chức năng và thực hiện nhiệm vụ như nhau, nhưng số lượng cán bộ của mỗi Phòng GD&ĐT được công nhận là công chức để hưởng phụ cấp công vụ 25% theo Nghị định 34/2012/NĐ-CP ngày 15.4.2012 của Thủ tướng Chính phủ lại không giống nhau. Điều này đã có những tác động nhất định đến tâm lý và hiệu quả công việc của một bộ phận cán bộ trong ngành. Vậy đâu là nguyên nhân?
    
Mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu
 

Sở Nội vụ nhận thấy việc hưởng thụ giữa công chức và viên chức tại Phòng GD&ĐT của các huyện, thành phố là bất hợp lý. Sở đã nhiều năm tham mưu cho UBND tỉnh xin Bộ Nội vụ cho biên chế hành chính để thay thế vào Phòng GD&ĐT của các huyện, thành phố nhưng chưa được chấp thuận”, ông Trần Văn Thanh- GĐ Sở Nội vụ nói.

Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành hiện có 15 biên chế sự nghiệp giáo dục, trong đó có 3 lãnh đạo (gồm một trưởng và hai phó phòng), còn lại phần lớn là chuyên viên. Tuy nhiên, chỉ có đồng chí trưởng phòng được  xác định là công chức nên được hưởng phụ cấp công vụ 25%, còn 2 đồng chí cấp phó không được hưởng; các chuyên viên của phòng cũng vậy. Điều này ít nhiều cũng tạo ra tâm lý so bì trong cán bộ, nhân viên.

Chia sẻ với chúng tôi về sự bất hợp lý này, ông Nguyễn Văn Thành- Phó Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành, nói: Về mặt nguyên tắc thì chúng tôi chấp hành, nhưng đây là một sự bất hợp lý không thể tiếp tục kéo dài. Bởi lẽ, chúng tôi đi từ giáo viên lên làm lãnh đạo nhà trường, được phòng quan tâm rút về làm chuyên viên rồi cơ cấu làm lãnh đạo phòng, khối lượng công việc nhiều, nhưng thu nhập không bằng một giáo viên có cùng thời gian công tác. Câu chuyện bức xúc của ông Thành cũng là nỗi niềm trăn trở của hầu hết cán bộ ở các phòng giáo dục trong toàn tỉnh. Như ở Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà hiện cũng chỉ có  trưởng phòng được hưởng chế độ phụ cấp công vụ, còn lại 15 cán bộ, chuyên viên chỉ được hưởng lương cơ bản.

 Sự bất hợp lý này còn thể hiện ở chỗ, đều có chức năng, nhiệm vụ như nhau nhưng có đơn vị được phân bổ từ 2-3 người là công chức, có đơn vị chỉ được phân bổ 1 công chức. Điển hình như ở huyện đảo Lý Sơn, mặc dù số lượng trường, học sinh, giáo viên ít hơn rất nhiều so với huyện Nghĩa Hành, nhưng có đến 3 cán bộ được xác định là công chức (trưởng phòng và 2 phó phòng), còn lại 9 chuyên viên là viên chức. Cá biệt hơn là, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh thì được phân bổ 4 định biên công chức (trưởng phòng, 2 phó phòng và 1 cán bộ làm công tác tổ chức). Trong khi đó, Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi chịu trách nhiệm quản lý hệ thống giáo dục ở 23 xã, phường nhưng cũng chỉ có 3/5 cán bộ lãnh đạo phòng được hưởng phụ cấp công vụ 25%. Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ cũng có 3 cán bộ lãnh đạo được hưởng phụ cấp công vụ... Và ngay trong cùng một đơn vị, có đồng chí phó phòng được hưởng phụ cấp công vụ, nhưng cũng có đồng chí không được hưởng, trong khi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn gần như giống nhau.  

 Ngại về làm cán bộ phòng

Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh- Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, cho biết: Trước kia, việc điều động giáo viên về làm chuyên viên tại phòng đã khó, vì khi về phòng chỉ hưởng lương, không có phụ cấp đứng lớp, không dạy thêm được. Nay thì việc này còn khó gấp bội lần, vì làm chuyên viên phòng không được tính hệ số lương thâm niên, không được phụ cấp công vụ, trong khi phải làm việc hầu hết các ngày trong tuần, còn giáo viên thì chỉ dạy theo tiết học. "Hiện nay, phòng đang thiếu một chuyên viên theo dõi môn Văn nhưng tìm mãi chưa có. Nếu có thầy cô nào đó chấp nhận thì dường như là miễn cưỡng", tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, nói.

Huyện Sơn Tịnh là địa phương duy nhất trong tỉnh giao cho Phòng GD&ĐT huyện 4 biên chế công chức.
Huyện Sơn Tịnh là địa phương duy nhất trong tỉnh giao cho Phòng GD&ĐT huyện 4 biên chế công chức.


Đó cũng là thực trạng chung ở hầu hết các Phòng GD&ĐT trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Bảy- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ, lo lắng nói: Vì viên chức không được hưởng chế độ phụ cấp công vụ nên một số chuyên viên của phòng có tư tưởng không yên tâm công tác, muốn xin trở lại trường để dạy. Để từng bước xoá bỏ tư tưởng trên, Phòng vừa quyết định điều động một viên chức về làm Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Thuận. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Minh Hiền- Tổ trưởng tổ phụ trách chuyên môn bậc THCS (Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh) không lấy gì làm vui khi kể về thu nhập của mình. Ông nói: Tôi công tác tại trường 8 năm và 26 năm công tác tại phòng, nhưng chỉ được hưởng hơn 5 triệu đồng/tháng, mà khối lượng công việc lại nhiều, trong khi đồng nghiệp cùng lứa với tôi dạy tại trường thu nhập hơn gấp đôi, vì có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên.

 Vận dụng văn bản pháp luật chưa sát

Trước những bất cập đó, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng và đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật để đi tìm câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này. Theo Sở Nội vụ Quảng Ngãi, về phụ cấp công vụ theo Nghị định số 34/2012/CP thì đối tượng áp dụng của Nghị định này là công chức hành chính quy định tại Nghị định số 06/2010/CP ngày 25.1.2010. Do đó, đối với công chức công tác tại Phòng GD&ĐT hoặc nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục được cấp thẩm quyền điều động, làm công tác quản lý giáo dục tại phòng, được UBND huyện xác định và giao chỉ tiêu biên chế công chức hành chính hằng năm cho đơn vị, thì trở thành công chức và được hưởng chế độ phụ cấp công vụ.

Tuy nhiên, trước những bất cập nêu trên, Sở Nội vụ cũng đã biện minh và cho rằng, thực tế ở tỉnh ta hiện nay, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý giáo dục tại địa phương, UBND tỉnh đã giao thêm biên chế sự nghiệp tại Phòng GD&ĐT cho các huyện, thành phố. Vì vậy, tại Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố vừa có biên chế hành chính vừa có biên chế sự nghiệp. Do đó, đối với những người thuộc biên chế sự nghiệp hoặc nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục được cấp có thẩm quyền điều động để làm công tác quản lý giáo dục tại phòng không nằm trong chỉ tiêu biên chế hành chính (thuộc biên chế sự nghiệp) do UBND các huyện, thành phố xác định thì không được hưởng chế độ phụ cấp công vụ theo Nghị định 34/CP.

Ông Đỗ Đình Thanh- Chủ tịch Công đoàn Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành bức xúc, nói: Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn cấp huyện nên đối chiếu với thực tế tại Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành thì không thể chỉ có đồng chí trưởng phòng là công chức, còn lại 14 người (biên chế) là viên chức. Nhưng nếu Sở Nội vụ cho rằng đó là viên chức thì văn bản pháp luật nào quy định? Trong khi đó, cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở GD&ĐT đều được xác định là công chức.

Đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật chúng tôi nhận thấy, tại Chương II, Điều 7, mục 7 của Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 4.2.2008 của Chính phủ xác định, Phòng GD&ĐT là một trong 10 cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Vì vậy, những người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các cơ quan chuyên môn (có Phòng GD&ĐT) thuộc UBND cấp huyện thì hiển nhiên được gọi là công chức. Điều này cũng được thể hiện rõ tại Điều 6, mục 2c của Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25.1.2010 của Chính phủ về việc quy định những người là công chức. Trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi về ý kiến của cử tri, Bộ GD&ĐT cũng đã khẳng định: Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục được điều động để làm công tác quản lý giáo dục tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT thì trở thành công chức. Do đó, được thực hiện các chế độ nhà nước quy định cho Cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức (như phụ cấp công vụ 25% theo Nghị định 34/CP)”.

Như vậy, để xảy ra những bất cập nêu trên là do việc vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật chưa sát. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì cán bộ, chuyên viên tại các Phòng GD&ĐT khó có thể yên tâm công tác; đồng thời không khuyến khích được những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt về làm chuyên viên tại các phòng giáo dục.
 

Bài, ảnh: P.Đức- T.Phương

 


.