Mong ước của học trò nghèo thôn Cát

08:05, 22/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã từng có trường lớp khang trang nhưng nứt núi đe dọa, cô và trò điểm trường thôn Cát  phải dời đến nơi khác “mở lớp”. 6 năm đằng đẵng dạy và học tạm bợ để chờ trường mới nhưng điều đáng buồn là khi trường mới hoàn thành thì học sinh vẫn chưa thể thoát cảnh “trường tạm”!

Thôn Cát, thuộc xã Trà Thanh – một xã nghèo và xa xôi nhất huyện Tây Trà. Vì thôn nằm lọt thỏm dưới chân núi Cát nên nơi đây còn được gọi là “thung lũng Cát”. Cả thôn có khoảng 100 nóc nhà, nhưng chủ yếu là “gia đình trẻ” nên chỉ tính riêng học sinh tiểu học đã  có đến gần 40 em…

Di dân phải dời trường

Sau hơn 10 năm thành lập, Tây Trà vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh và là một trong 62 huyện nghèo nhất nước. Thế nhưng nguồn vốn bỏ ra để xây dựng trường lớp vẫn được quan tâm ngay từ những ngày đầu lập huyện. Xã Trà Thanh tuy chỉ có 289 học sinh tiểu học nhưng do địa hình phức tạp, cư dân sống thưa thớt nên ngoài điểm trường chính thì có đến 3 điểm trường thôn. Học sinh thôn Vuông ở “trung tâm xã” học tại điểm chính; học sinh 3 thôn còn lại là thôn Cát, thôn Gỗ, thôn Môn học tại điểm trường lẻ đóng chân trên địa bàn thôn.

 

Cô và trò điểm trường tạm thôn Cát.
Cô và trò điểm trường tạm thôn Cát.


Điểm trường lẻ thôn Cát vừa mới được xây dựng không lâu, khai giảng mới được mấy mùa thì bị nứt núi đe dọa. Các hộ dân trong vùng đã phải di dời nhà cửa. Con cái theo cha mẹ đến nơi ở mới. Ngành giáo dục Tây Trà đã quyết định bỏ điểm trường cũ, để dựng trường tại nơi ở mới để thuận tiện cho các em ra lớp. Và thế là cách đây 6 năm, ngôi trường “cây, lá” đã mọc lên bên vệ đường ngay ngã ba đường về thôn Cát.

Mỗi mùa khai giảng, trường lại phải thay cây, lợp lá mới. Gần đây, ngôi trường tạm gồm hai phòng học này đã được làm lại bằng mái tôn, vách tôn. Tuy phải học trong cảnh khốn khó nhưng học sinh thôn Cát rất hiếu học. Hai cô giáo miền xuôi lên đây “gieo chữ” cũng rất tận tụy vì học sinh.

Mong có trường mới!

Chúng tôi đến điểm trường tạm thôn Cát đúng vào trung tuần tháng 5. Nắng gắt phả hơi nóng rát bỏng xuống mái tôn thấp lè tè. Lưng áo cô và trò ướt đẫm mồ hôi. Nắng chưa kịp đi qua, mưa giông lại ập đến. Ngột ngạt, nóng bức đến khó thở. Thế mà những đôi mắt tròn xoe vẫn dán vào bảng đen dõi theo từng nét chữ, con toán. Cô giáo khuyên các học trò nhỏ của mình: “Các con cố gắng, mùa khai giảng tới mình đã có trường mới rồi”.

Theo tay cô giáo chỉ, chúng tôi ra ngoài hiên phóng tầm mắt về phía thung lũng, nơi lưng chừng đồi điểm trường thôn Cát đang trong giai đoạn hoàn thành. Nói là điểm trường nhưng thực tế đó chỉ là một phòng học. Chính vì chỉ có một phòng học nên khi  trường này khánh thành, đưa vào sử dụng vẫn phải dời trường tạm theo… Lý giải điều này, các cô giáo điểm trường thôn Cát bảo: Điểm trường có 4 trình độ, từ lớp 1 đến lớp 4. Học sinh được chia thành 2 lớp ghép. Lớp 1 ghép với lớp 2. Lớp 3 ghép với lớp 4. Và dĩ nhiên yêu cầu tối thiểu điểm trường phải có 2 phòng học. Thế nhưng điểm trường mới sắp hoàn thành của thôn Cát để thay thế điểm trường tạm này chỉ có vỏn vẹn một phòng học. Để tạo thêm một phòng học nữa cho các em có nơi học tập, đành lòng phải dỡ dọn phòng học tạm về dựng bên cạnh điểm trường mới xây này.

Nghe tin này, các học trò nhỏ có vẻ buồn. Vì em nào cũng ao ước mùa khai giảng tới tất cả đều được học trường mới. Thế nhưng, vì chỉ có một phòng học, nên chắc chắn một nửa các em sẽ vẫn phải ngồi học tạm bợ như 6 năm qua. Em Hồ Thị Thế, học sinh lớp 3 bày tỏ khát khao: “Con mong có trường mới để học từ lâu lắm rồi! Nay trường mới sắp xong, nhưng có lẽ nhiều bạn vẫn phải học trong phòng tạm bợ vì không đủ chỗ. Con mong sao tất cả chúng con đều có nơi học đàng hoàng, không nóng bức như trường tạm”.

Mong ước ấy của các học trò nhỏ ở thôn Cát rất đáng trân trọng, là đòi hỏi chính đáng cần được chính quyền, ngành giáo dục quan tâm đáp ứng.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.