Không thể thoái thác mãi được!

09:04, 30/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhiều cuộc hội thảo đã mổ xẻ tận "chân tơ, kẻ tóc" vì sao lâu nay học sinh chúng ta chán học môn Sử? Cách khắc phục ra sao? Nhưng nói mãi vẫn chưa thấy đổi mới. Chẳng lẽ cứ thoái thác mãi?

TIN LIÊN QUAN

Nếu làm phép thử hỏi học sinh chúng ta có thích học môn Sử, chắc chắn sẽ nhận được nhiều câu trả lời là không. Thực ra, không phải bây giờ mà thực trạng này đã diễn ra từ rất lâu rồi. Minh chứng là các con số thống kê công khai từ các đợt thi ĐH-CĐ.
 
Đỉnh điểm, vừa qua, khi Bộ GD&ĐT công bố 4 môn thi tốt nghiệp, trong đó có 2 môn bắt buộc là Văn, Toán và hai môn tự chọn, thì học sinh chọn môn Sử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng đó có phải là lỗi của học sinh không? Còn ngành giáo dục có trách nhiệm gì?
 
Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, nhiều cuộc hội thảo đã chỉ ra nguyên nhân vì sao dẫn đến hệ lụy này. Chung quy là chương trình sách giáo khoa Sử không phù hợp với lứa tuổi học trò do có quá nhiều tiểu tiết, ngày tháng, sự kiện khó nhớ, khó tiếp thu đối với học sinh phổ thông. 
 
Cũng có nhiều người cho rằng, không nên đánh đồng, học sinh không chọn thi Sử không có nghĩa là các em quay lưng với lịch sử nước nhà, mà thực tế bắt buộc các em phải thực dụng. Bởi giáo dục chúng ta còn quá nặng về thi cử, điểm số. Một mặt, ngành nghề liên quan đến lịch sử rất ít. Chính vì vậy mà các em đã không chọn thi môn này. 

 

Không thể thoái thác mãi được!
Đổi mới phương pháp dạy và học môn Sử là nhiệm vụ tất yếu. Không thể thoái thác mãi được!
 
Nói như thầy Lê Thành Hưng- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Quảng Ngãi): Giáo trình lịch sử cho học sinh khá nặng nề, làm sao để các em lĩnh hội được hết ý nghĩa của nó? Chúng ta xem một bộ phim hoặc một đoạn clip nói về trận đánh đó sẽ dễ nhớ hơn là học thuộc lòng một cách mơ hồ.
 
Trong khi thực trạng dạy và học Sử ở nước ta là thế thì ở các nước khác, môn học này rất được coi trọng. Không chỉ sinh động trong cách dạy và học ở trường, họ còn đặc biệt chú trọng khắc họa lịch sử nước nhà trong phim lịch sử, cổ trang. 
 
Chắc hẳn nhiều người chúng ta còn nhớ những năm trước, khi phim Trung Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ, khán giả trong nước theo dõi rất hào hứng đến mức học sinh khoái chí tìm mua tập vở có hình của những nhân vật trong phim này.
 
Cũng có không ít khán giả không ưa phim Tàu, nhưng vì không có phim lịch sử Việt nào ở thời điểm đó hoặc phim Việt nhàm chán. Chẳng thế mà người Việt hiểu biết lịch sử một số nước hơn cả lịch sử dân tộc mình! 
 
Ở các nước công nghiệp, học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên được khuyến khích. Nhưng họ vẫn làm tròn trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng. Ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc…, môn Sử được coi là bắt buộc, người nước ngoài muốn nhập quốc tịch hay Visa phải qua kỳ thi về ngôn ngữ và lịch sử của nước đó.
 
Lịch sử là những gì đã đi qua, nhưng là quá khứ của một dân tộc, là gốc tích nước nhà, tạo nên cả một nền văn hóa. Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có hai câu thơ: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
 
Quá khứ luôn là niềm tự hào, điểm tựa, là bệ phóng cho hiện tại, sẽ là hành trang tinh thần cho thế hệ trẻ sống tốt hơn trong hiện tại. Điều này rất cần thiết trong thời đại hiện nay. Vì những lẽ đó, đổi mới để làm tròn trách nhiệm với lịch sử, là tất yếu cũng là trách nhiệm, nhiệm vụ vẻ vang. Không thể cứ thoái thác mãi được!
 
Ái Kiều
 

.