Đề xuất tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực học sinh để xét tuyển vào ĐH-CĐ

08:03, 07/03/2014
.

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố đề án tuyển sinh của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM), theo đó, ĐHQG TPHCM đưa ra các đề xuất cho việc cải tiến quá trình tuyển sinh ĐH-CĐ tại Việt Nam, như nguyên tắc, phương án, mô hình và lộ trình thực hiện cải tiến tuyển sinh.
 

Thí sinh căng thẳng xem lại bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2013. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thí sinh căng thẳng xem lại bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2013. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cụ thể, về nguyên tắc của quá trình tuyển sinh, trường đề xuất quá trình tuyển sinh gồm 2 phần: đánh giá năng lực và xét tuyển. Việc đánh giá năng lực thí sinh cần được thực hiện bởi một đơn vị chuyên trách. Đơn vị này có trách nhiệm xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi và chủ trì, phối hợp tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh.

Công nghệ tuyển sinh được thể hiện qua sơ đồ:

 


Với mục tiêu của đề án, ĐHQG TPHCM đề xuất thống nhất một kỳ thi trong đó có các môn thi cơ bản (gồm kiến thức và năng lực tư duy) để đánh giá năng lực của thí sinh. Công tác tổ chức thi được thực hiện cụ thể theo các bước cơ bản. Bước 1 là thông tin về kỳ thi và phương thức thi. Bước 2 là thí sính đăng ký dự thi theo mẫu hồ sơ đăng ký dự thi; Theo đó, tại sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ có tổ chức thi qua 2 hình thức trực tuyến và nộp hồ sơ giấy; thời gian vào tháng 2 - 3 và tháng 9 - 10 hàng năm. Bước 3 là tổng hợp cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh. Sở GD-ĐT phối hợp và truyền dữ liệu với các trường ĐH-CĐ. Tổng hợp thống nhất cơ sở dữ liệu dùng chung dữ liệu các trường cùng thi chung kỳ thi đánh giá năng lực. Bước 4 là thông tin đến thí sinh (qua thư điện tử và giấy báo thi). Bước 5 sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực tại các hội đồng thi. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực theo qui chế/qui định chung của đơn vị khảo thí ra đề thi, thời gian vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm. Bước 6 là chấm thi và xử lý kết quả thi: đơn vị khảo thí ra đề thi phối hợp với các hội đồng thi các trường ĐH-CĐ. Bước 7 là xét tuyển, xét tuyển theo kế hoạch của từng trường ĐH-CĐ, dùng chung kết quả thi năng lực làm một trong các tiêu chí xét tuyển.

Theo đề án này, việc đánh giá năng lực thí sinh sẽ dựa chủ yếu vào trắc nghiệm thành quả học tập. Các câu hỏi được xây dựng trên cơ sở chương trình trung học phổ thông. Mọi thí sinh đều phải thi hai môn công cụ là Toán - logic và Tiếng Việt, và được chọn một trong ba môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hoặc Ngoại ngữ tùy theo các lĩnh vực đào tạo, dựa vào quy định của các trường đại học.

Sau khi sơ tuyển, thí sinh dựa vào kết quả 3 môn chính nói trên (có thể theo một tổ hợp có hệ số), các trường có thể xét tuyển kết hợp với các thông tin khác hoặc tổ chức thêm một kỳ đánh giá chung tuyển bằng phương pháp tự luận hoặc vấn đáp. Nếu 3 môn chính không có môn Ngoại ngữ thì thí sinh có thể thi thêm môn Ngoại ngữ như là môn nhiệm ý, để cộng điểm vào tổng các môn thi.

Trường ĐHQG TPHCM cho rằng, các môn thi lựa chọn như trên vừa thỏa mãn được yêu cầu chung của mọi phương hướng học thuật là khả năng sử dụng ngôn ngữ và tính toán thông dụng, vừa đáp ứng được hai hướng lớn quan trọng về ngành nghề là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Phần tự luận ngắn trong hai đề Toán - logic và Tiếng Việt vừa giúp đánh giá thêm khả năng viết và giải quyết vấn đề của thí sinh, đồng thời không đòi hỏi quá tải trong việc chấm các bài tự luận. Việc qui định viết ngắn đối với câu hỏi Tiếng Việt buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận nhằm lựa chọn bố cục, cân nhắc chín chắn khi diễn đạt để thể hiện khả năng viết cô đọng.

Đối với công tác xét tuyển, đề án nêu rõ các trường được tự chủ trong quá trình xét tuyển.

Về lộ trình thực hiện, trường dự kiến bắt đầu áp dụng hình thức tuyển sinh mới từ năm 2015 cho một số ngành/trường. Từ năm 2016 sẽ áp dụng toàn diện phương thức tuyển sinh mới này.



PHAN THẢO/Báo SGGPO


.