Thu mà không giữ

04:01, 01/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, khuyến khích đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng về công tác tại tỉnh. Cụ thể là, ngoài chính sách thu hút hỗ trợ trực tiếp từ 100 triệu đến 350 triệu đồng/người, tuỳ theo trình độ, chuyên ngành và học hàm, học vị, những đối tượng này còn được hưởng chế độ ưu đãi của tỉnh là hỗ trợ tiền thuê nhà 5 năm và cấp đất ở theo quy định...

Đây được xem là bước đột phá mạnh mẽ nhất của Quảng Ngãi từ trước đến nay, nhằm hướng đến mục tiêu tạo nền tảng để tăng tốc phát triển bền vững.

Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ngãi đã thu hút nhiều người có trình độ cao về công tác tại tỉnh, trong đó có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học y, dược loại khá, giỏi. Cùng với đó là đưa hàng chục cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác này đã lên trên chục tỷ đồng... Phải nói rằng, đây là một trong những chính sách được ban hành sớm đi vào cuộc sống và bước đầu phát huy được hiệu quả.  

Thế nhưng, những ngày cuối năm này, Quảng Ngãi đón nhận một tin không lấy gì làm vui trong chính sách trọng dụng nhân tài, nhất là ngành giáo dục. Đó là, tiến sĩ toán học duy nhất dạy bậc THPT tại Trường THPT chuyên Lê Khiết là thầy Nguyễn Chí Liêm quyết định chuyển công tác ra thành phố Đà Nẵng.

Thầy Liêm tốt nghiệp Đại học sư phạm Qui Nhơn năm 1993. Năm 2006, thầy Liêm tốt nghiệp thạc sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học sư phạm Hà Nội năm 2012. Kết quả đó không những nói lên nỗ lực vượt khó của thầy Liêm mà còn minh chứng cho khả năng nghiên cứu khoa học của một giáo viên dạy bậc THPT.

Những năm công tác tại trường, thầy Liêm cùng đội ngũ giảng viên của trường đã không ngừng tìm tòi sáng tạo để đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ học sinh chuyên toán có chất lượng, đạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi toán cấp quốc gia và các cuộc thi Olympic toán toàn quốc. Thầy Liêm cũng là người duy nhất ở Quảng Ngãi có thể dạy toán bằng tiếng Anh và gầy dựng được phong trào học toán bằng tiếng Anh tại Trường Lê Khiết. Năm học 2012- 2013, lần đầu tiên Trường Lê Khiết cử học sinh đi thi học sinh giỏi toán bằng tiếng Anh tại Hà Nội và cả 6 em đều đoạt giải.

Những đóng góp đó của thầy Liêm đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thương hiệu Trường chuyên Lê Khiết nói riêng và cho ngành giáo dục Quảng Ngãi nói chung. Vì thế, quyết định ra đi của thầy Liêm chắc chắn sẽ để lại sự hẫng hụt không nhỏ đối với Trường Lê Khiết trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 và cả ngành giáo dục Quảng Ngãi.

Lý giải điều này, thầy Trần Đình Vợi- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết không giấu được nỗi buồn: Sau khi thầy Liêm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nhà trường rất ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến của thầy Liêm nhưng với khả năng có hạn nên trường cũng chỉ hỗ trợ cho thầy Liêm khoảng tiền ít ỏi 10 triệu đồng. Còn với  ngành giáo dục và tỉnh thì không nói gì, mặc dù nhà trường đã nhiều lần kiến nghị. Do đó, năm 2013 thầy Liêm cương quyết ra đi và trường không thể nào giữ chân thầy Liêm được nên đành phải ký đơn cho chuyển công tác mà thôi, dù biết rằng sự ra đi của thầy Liêm là một sự mất mát lớn đối với nhà trường.

Biết rằng, đã là người tài thì dù đi đâu mục đích cuối cũng chỉ là được làm việc, được cống hiến. Và chắc rằng, ở mỗi nơi sự ưu đãi, trọng dụng cũng sẽ khác nhau, nhưng nếu ai đó viện dẫn lý do môi trường làm việc không thuận lợi, chế độ ưu đãi thấp mà khăn gói từ bỏ quê hương ra đi thì có nên chăng và như thế thì có thể gọi là cống hiến hay không? Và nếu suy nghĩ đó trở nên phổ biến thì những vùng trũng về kinh tế, về nguồn nhân lực như Quảng Ngãi liệu bao giờ mới theo kịp các thành phố lớn.

Việc thầy Liêm chuyển công tác đã để lại trong mỗi người nhiều suy tư khác nhau về việc thực hiện một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh; về cái tâm của một người tài đối với quê hương?
                                    

Phú Đức
 


.