Ngành GD & ĐT Quảng Ngãi: Hướng tới mục tiêu xếp hạng khá

08:01, 09/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 4.11.2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết 29). Vậy Quảng Ngãi sẽ phải làm gì để triển khai và thực hiện có hiệu quả nghị quyết này.

TIN LIÊN QUAN


Mục tiêu trong tầm khả năng

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, ngành GD&ĐT của tỉnh đạt và vượt các mục tiêu được nêu trong Nghị quyết 29; đồng thời được xếp hạng khá của cả nước. Cụ thể là, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, có 24,75% trường mầm non đạt chuẩn. Đến năm 2020, có 34,95% đạt chuẩn; ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10% và miễn học phí đối với giáo dục mầm non công lập trước năm 2020.

Học sinh huyện đảo Lý Sơn trên đường đến trường.                          Ảnh: VÕ MẬU KHIÊM
Học sinh huyện đảo Lý Sơn trên đường đến trường. Ảnh: VÕ MẬU KHIÊM


 Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề; có 70% trẻ em khuyết tật được học hoà nhập. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2015, có 65% trường tiểu học, 65% trường THCS, 46,1% trường THPT đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2020, tiểu học 70%, THCS 75%, THPT 65%.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, nghề trọng điểm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 45%, đến năm 2020 đạt tỷ lệ cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tăng cường ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực khác đầu tư, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Đến năm 2015 có 40 cơ sở có tổ chức dạy nghề, 45 cơ sở vào năm 2020. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS và có từ 80-85% số lao động có việc làm sau đào tạo nghề vào năm 2020.

Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia. Đến năm 2020 có 450 sinh viên/1 vạn dân; có 4 trường, chi nhánh, phân hiệu của các trường đại học, 6 trường cao đẳng chuyên nghiệp; 30-40% sinh viên của Quảng Ngãi được học tại các trường đóng trên địa bàn tỉnh; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực.

Ông Thái Văn Đồng- Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết thêm: Chúng ta phải bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học và cập nhật kiến thức. Từng bước hoàn thiện việc nâng cấp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú; hình thành hệ thống trường  phổ thông dân tộc bán trú. Quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách và có chính sách địa phương đối với cán bộ, nhà giáo công tác ở vùng dân tộc và chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Thực hiện dạy tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý và nhà giáo công tác ở vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số.

Giải pháp quyết liệt

Một trong những giải pháp quan trọng và có tính chất quyết định là phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền đối với đổi mới giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đến năm 2020, tất cả các trường học đều có tổ chức cơ sở đảng theo tinh thần Chỉ thị 34 của Ban Bí thư. Sở GD&ĐT, các cơ quan quản lý giáo dục phải xây dựng Đề án quy hoạch nguồn nhân lực giáo dục địa phương, đơn vị trình các cấp thẩm quyền ban hành làm cơ sở thực hiện. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như dạy thêm, học thêm trái quy định; vi phạm đạo đức nhà giáo; lạm thu trong trường học; chất lượng giáo dục không thực chất.

Cần đầu tư mạnh cho bậc học mầm non và tiểu học.                                        Ảnh: PHÚ ĐỨC
Cần đầu tư mạnh cho bậc học mầm non và tiểu học. Ảnh: PHÚ ĐỨC


Tất cả các đơn vị giáo dục trong tỉnh phải xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo. Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học. Đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học tạo thuận lợi thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Hoàn thiện hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Ngân sách tỉnh hằng năm chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi thường xuyên.

Tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với giáo viên, giảng viên các ngành khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn, đặc thù, đặc biệt là đối với giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết, Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm, Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Khuyến khích, tạo thuận lợi thực hiện việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Có như vậy Quảng Ngãi mới thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW, cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 15.4.2013 của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi về thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29.10.2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.


        PV


 


.