Bước đột phá của ngành giáo dục Quảng Ngãi

08:01, 10/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, ngành giáo dục Quảng Ngãi có những bước chuyển đáng kể cả về quy mô trường lớp, số lượng học sinh lẫn chất lượng giáo dục. Đặc biệt, ngành đã cơ bản khắc phục những điều dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương

Năm học 2012- 2013 là năm đầu tiên triển khai thực hiện “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.  Theo đó, chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng... cao hơn so với những năm trước. Toàn tỉnh có gần 8.600 em trúng tuyển đợt 1 vào các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, chiếm gần 30% tổng số thí sinh dự thi.

 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao học bổng cho học sinh xuất sắc.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao học bổng cho học sinh xuất sắc.


Hệ thống giáo dục mầm non đến phổ thông ngày càng hoàn thiện. Các chính sách an sinh xã hội đối với học sinh được thực hiện ngày một hiệu quả, tạo cơ hội tốt hơn cho con em nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn… được đi học. Hệ thống trường lớp ngày càng đồng bộ, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong độ tuổi. Các cuộc vận động, các phong trào như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực… được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh hưởng ứng, tạo điều kiện tốt hơn trong giáo dục toàn diện học sinh. Đây cũng là một trong những giải pháp chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong môi trường giáo dục hiện nay.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được đẩy mạnh thực hiện toàn diện, với 106/184 xã, phường đạt chuẩn. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt và vượt so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Trong đó, mầm non có 31 trường đạt chuẩn, bậc tiểu học có 127 trường, bậc THCS có 88 trường và THPT có 16 trường. Tỉnh ta được vinh dự là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc THPT.

Công tác thanh, kiểm tra về các khoản thu, chi tại các trường học trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, tình trạng lạm thu dần được khắc phục. Sở GD&ĐT đã và đang có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để đưa việc dạy thêm, học thêm vào đúng quy định, không còn dư luận bức xúc như những năm trước.

Phát triển giáo dục bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhằm khắc phục những khó khăn để đổi mới căn bản toàn diện cũng như hướng đến phát triển giáo dục bền vững, ông Thái Văn Đồng- Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Cần phải có sự phát triển đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, hải đảo đến miền núi. Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cần được tăng cường; đẩy mạnh đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, các trường phổ thông vùng dân tộc.

 

Tổ quốc em.                                                                       Ảnh: Đăng Lâm
Tổ quốc em. Ảnh: Đăng Lâm

Tăng cường các giải pháp đồng bộ thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt với các trường ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Chú trọng triển khai có hiệu quả việc xây dựng các phòng học phục vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Phối hợp tốt với các bậc cha mẹ đẩy mạnh công tác chăm sóc trẻ, từng bước giảm trẻ suy dinh dưỡng để đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Tiếp tục chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

“Tiếp tục chỉ đạo đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông. Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), nhân rộng mô hình này cùng với việc áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương. Mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chú trọng ở cấp tiểu học”, ông Thái Văn Đồng nhấn mạnh.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.