Nỗi lo trường dột nát

09:12, 06/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng đã hơn 30 năm, nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi chờ sửa chữa hoặc xây dựng mới, thầy và trò tại các điểm trường này đang phải đối mặt với nỗi lo trường sập, ngập nước...  nhất là vào mùa mưa bão.Nỗi lo trường sập...

TIN LIÊN QUAN

Sau đợt ảnh hưởng của cơn bão số 14, điểm Trường Mầm non thôn Long Bàn (xã Tịnh An, Sơn Tịnh) bị gió quật gãy cây đà. Chưa kịp tu sửa lại, thì ngôi trường được xây dựng đã gần 40 năm này lại tiếp tục hứng chịu thêm cơn lũ lịch sử. Cây đà đã gãy, cộng thêm việc bị ngấm nước lũ nên hiện tại 3 phòng học của trường có khả năng bị sập đổ bất cứ lúc nào.

 

Trường Mầm non thôn Thống Nhất (Tịnh Ấn Tây, Sơn Tịnh) đã xuống cấp lại bị ngập nước trong đợt lũ vừa qua.
Trường Mầm non thôn Thống Nhất (Tịnh Ấn Tây, Sơn Tịnh) đã xuống cấp lại bị ngập nước trong đợt lũ vừa qua.


Lo ngại cho sự an nguy của thầy và trò, nhà trường đành mượn tạm nhà văn hóa các thôn để tổ chức giảng dạy. “Trường Mầm non Tịnh An nguyên là cơ sở cũ của Trường Tiểu học Tịnh An. Trường xây dựng đã gần 40 năm nên tường, trần nhà đều bị mục rỗng hết. Vì vậy, mỗi khi có mưa bão, ngôi trường này có thể bị ngã đổ bất cứ lúc nào”, bà Dương Thị Thu Thủy-Phó Phòng Giáo dục huyện Sơn Tịnh cho biết.

Tạm thời, thầy trò Trường Mầm non Tịnh An đã tìm được nơi học mới trong khi chờ đợi tu bổ, sửa chữa. Còn thầy và trò Trường Tiểu học Bình Hải thì đang phải thấp thỏm không yên khi phải học trong ngôi trường mà hầu hết gỗ trên trần nhà đều đã bị mối mọt ăn hơn phân nửa. Nằm cách biển chưa đầy 500m,  Trường Tiểu học Bình Hải (thôn An Cường, xã Bình Hải) luôn phải hứng chịu nhiều đợt gió từ biển thổi vào.

Là nơi học tập của hơn 200 em học sinh, nhưng trường chỉ có 5 phòng và không có tường rào cổng ngõ, không nhà vệ sinh. Nhiều phòng học của ngôi trường có “tuổi  thọ” đã  hơn 35 năm này còn không có cả cửa sổ. Trên mái nhà, nhiều thanh gỗ đã mục ruỗng, còn cột bê tông thì nứt. Vì thế, mỗi khi có đợt gió mạnh thổi từ biển vào, thầy và trò của trường lại nơm nớp lo sợ. Không lo làm sao được, khi trong đợt bão năm 2009, toàn bộ phần mái của trường đã bị bão thổi bay. Ra ngoài thì sợ mưa ướt, bám trụ trong lớp thì sợ trường sập - đó là tâm lý chung của cô trò tại điểm trường này vào mỗi mùa mưa bão

... Và mưa dột

Vào mỗi mùa mưa bão, đã quá quen với cảnh trường dột, nên thầy trò tại các điểm trường xuống cấp đều học cách tự thích nghi. Cô Bùi Thị Hoa- giáo viên Trường Mẫu giáo thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) tâm sự: “Lần nào trời mưa, lớp học cũng bị dột. Vì vậy lúc nào tôi cũng phải trang bị sẵn thau hứng nước và chổi hút nước”. Là nơi học tập của 32 học sinh mầm non, nhưng điểm trường thôn Thống Nhất chỉ là một căn phòng rộng chưa đầy 20m2.  Để “sống chung” với cảnh dột nước, cô giáo Hoa dành hẳn một góc phòng để đựng thau, xô hứng nước. Phòng chật chội, cũ kỹ khiến việc dạy và học của cô Hoa và các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo cô Hoa, vất vả nhất vẫn là vào mùa mưa. Bởi vị trí của trường khá trũng so với khu vực xung quanh, vì thế chỉ cần một trận mưa lớn là nước lại mấp mé cửa lớp. Không riêng gì Trường Mầm non Thống Nhất, mà toàn xã Tịnh Ấn Tây có 5 trường mầm non thì 4 trường xây dựng đã hơn 30 năm, nên xuống cấp nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh khi phải thường xuyên học tập trong môi trường ẩm ướt. “Thấy con mình phải học bên cạnh thau hứng nước mưa mà xót xa. Nhưng giờ không đủ điều kiện để gửi con học chỗ khác nên đành nói con cố gắng”-chị  Trương Thị Mến, phụ huynh em Nguyễn Đình Tiến bày tỏ.

Bà Dương Thị Thu Thủy-Phó Phòng Giáo dục huyện Sơn Tịnh trăn trở:  “Toàn huyện có 70 trường, nhưng mỗi năm chỉ được cấp 7 tỷ đồng để xây mới, tu sửa và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Vì thế, không riêng gì Tịnh Ấn Tây mà tại nhiều xã khác, còn rất nhiều trường mầm non hiện đã xập xệ, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí xây dựng. Riêng bậc tiểu học và trung học cơ sở, toàn huyện có đến 12 trường xây dựng lâu năm nên xuống cấp”.


Bài, ảnh: Ý THU
 


.