Niềm vui từ những xưởng may ở một làng biển

09:10, 21/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Để xóa đi quan niệm phụ nữ làng biển không có nghề nghiệp ổn định, sống phụ thuộc vào chồng, nhiều phụ nữ ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải đã rủ nhau làm nghề may gia công tại nhà. Việc làm này không chỉ giúp chị em có được niềm vui, vì thu nhập ổn định mà còn khẳng định vị thế mới của người phụ nữ trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đến cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Bích Thủy- Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Phước Thiện, xã Phước Thiện vào một ngày mưa tầm tã. Không khí làm việc hăng say cùng tiếng nói cười rộn rã của chị em trong xưởng may trái hẳn với thời tiết âm u bên ngoài. Cơ sở may của chị Thủy bắt đầu đông vui như vậy từ cách đây 1 năm, là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ trong thôn.
 
Chị Thủy cho biết: Tôi có nghề may đã hơn 20 năm nay. Nhưng một năm trước mới quyết định mở xưởng may gia công vừa kiếm thêm thu nhập cho mình, vừa tạo việc làm cho chị em. Ở làng biển này, phụ nữ đã quen với việc sống phụ thuộc vào những chuyến đi khơi dài hàng tháng trời của chồng. Trong thời gian chờ thuyền về, họ hầu như không làm gì hoặc bán buôn nhỏ lẻ, tạm bợ.

 

Phụ nữ thôn Phước Thiện, xã Bình Hải thành lập các nhóm may gia công giải quyết việc làm cho nhiều chị em
Phụ nữ thôn Phước Thiện, xã Bình Hải thành lập các nhóm may gia công giải quyết việc làm cho nhiều chị em
 
 
Quan niệm ấy dường như đã bám rất lâu vào tâm trí những người phụ nữ làng chài. Cũng chính vì thế đời sống kinh tế gia đình của họ hoàn toàn phụ thuộc vào những lần đi biển lắm rủi ro của những người đàn ông. Để thay đổi được quan niệm ấy là cả một quá trình khó khăn. “Lúc đầu tôi phải đi vận động những chị em nhàn rỗi nhưng đã từng biết nghề may. Sau đó mới dám nhận hàng từ TP.HCM về xưởng. Nhưng cái khó là ở làng biển này, ít chị em nào biết nghề may lắm. Nên ban đầu xưởng hoạt động còn trì trệ”- chị Thủy kể lại.
 
Tuy nhiên, nghề may gia công không yêu cầu quá cao nên chỉ cần khoảng 1 tháng thì người không biết gì về nghề may cũng có thể làm được. Chị Phạm Thị Tượng vừa mới vào làm tại cơ sở sản xuất gia công của chị Thủy chừng 3 tháng nay nhưng đã làm nghề rất thành thục. Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 100- 150 nghìn đồng từ việc may gia công các loại áo sơ mi nam nữ. Nếu như ngày trước, cuộc sống gia đình chị rất bấp bênh thì từ khi vào xưởng may gia công gần nhà, kinh tế gia đình chị đã tiến triển hơn trước.
 
Chị Tượng chia sẻ: Từ hồi lấy chồng đến giờ, tôi chỉ làm việc nội trợ và buôn bán tạm bợ để chờ những chuyến biển xa của chồng trở về. Lúc được mùa thì cơm no áo ấm, nhưng lúc mưa bão hay gặp bất trắc thì cả nhà lại lao đao. Thấy chị Thủy vận động đi học nghề may và làm ngay tại nhà, tôi xin làm thử và giờ đã có một nguồn thu nhập ổn định, giúp chồng có thêm tiền nuôi con ăn học. Tôi cũng đã giành tháng lương đầu tiên từ việc may gia công mua chiếc xe đạp mới cho con.
 
Có việc làm ổn định ngay gần nhà là điều kiện rất tốt cho nhiều phụ nữ làng biển. Họ vừa có thu nhập ổn định lại vừa có thời gian chăm sóc gia đình mà vẫn có thể giúp chồng gánh cá, bán buôn những khi thuyền cập bến.

 

Làm việc tại các xưởng may, chị em vẫn có thời gian phụ giúp chồng khi thuyền cập bến
Làm việc tại các xưởng may gần nhà, chị em vẫn có thời gian phụ giúp chồng khi thuyền cập bến
 
 
Ngoài cơ sở may gia công của gia đình chị Thủy, thôn Phước Thiện còn có 3 cơ sở khác tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động nữ. Hầu hết các lao động đều đã làm nghề rất thành thạo, được đánh giá cao. Anh Ngô Thanh Hộp- Chủ một xưởng may gia công ở thôn Phước Thiện cho biết: Mỗi tháng tôi nhận khoảng 1.500 sản phẩm từ phía Nam về cho chị em may gia công. Tất cả các lô hàng hoàn thành gửi vào đều được phía đối tác đánh giá cao. Sắp tới tôi sẽ mua thêm máy móc và kêu gọi các chị em khác cùng vào làm.
 
Thời gian làm tại cơ sở may gia công cũng giúp chị em có thêm niềm vui và chia sẻ những khó khăn cùng nhau trong cuộc sống, và giúp phong trào của Hội phụ nữ ngày càng phát triển tại thôn. Chị Thủy chia sẻ: Từ ngày có xưởng may gia công và chị em vào làm đông đủ thì các phong trào thi đua của Chi Hội phụ nữ thôn Phước Thiện đã có bước phát triển. Các chị em sẵn sàng quyên góp, giúp đỡ các hộ phụ nữ nghèo ở địa phương ngay khi được thông báo, vận động.
 
Chị Bùi Thị Hoa- Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Hải cho biết: Xã Bình Hải có gần 4.000 phụ nữ. Trong đó có gần 3.000 phụ nữ gắn với nghề biển, có nghĩa là hầu hết họ đều làm nội trợ, buôn bán tạm bợ. Việc mở các cơ sở may gia công tại thôn Phước Thiện đã giúp phụ nữ làng biển dần thay đổi nhận thức, khẳng định bình đẳng giới và tự lực kiếm việc làm, chăm sóc gia đình. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục vận động nhiều chị em khác mở các cơ sở gia công may nếu có điều kiện để thu hút, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho phụ nữ làng biển có công việc làm ổn định.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.