Thu kinh phí công đoàn: Cần có giải pháp khả thi

03:09, 14/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Tuy nhiên, việc thu kinh phí công đoàn đã gặp phải không ít khó khăn, tác động trực tiếp đến hoạt động của các cấp công đoàn.

TIN LIÊN QUAN


Chị Lê Thị Tịnh Giang - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty cổ phần Việt Phú cho biết:  Thực hiện Luật Công đoàn năm 2012, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp trích đóng bằng 2% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động (trong đó 1% trích nộp Công đoàn cấp trên) nên số tiền còn lại rất ít, không đủ chi cho các hoạt động công đoàn. Hiện tại, công ty có trên 400 lao động làm việc. Những năm trước, kinh phí công đoàn thu theo số tiền thực trả cho người lao động nên đủ chi cho hoạt động. Tuy nhiên, năm nay, kinh phí công đoàn thu theo Luật mới nên đã giảm gần 2/3. Nguồn thu ít dẫn đến hoạt động công đoàn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là tình cảnh chung của các CĐCS trong doanh nghiệp hiện nay.

Hội thi nữ công gia chánh trong nữ công nhân lao động
Hội thi nữ công gia chánh trong nữ công nhân lao động


Khoản 2, Điều 26, Luật Công đoàn năm 2012 quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động”. Theo đó, đối tượng thu kinh phí công đoàn mở rộng cả ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn. Đây là điểm tiến bộ nhằm tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, khắc phục tình trạng doanh nghiệp cố tình không thành lập CĐCS nhằm né tránh việc đóng kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, khi triển khai thì công tác thu kinh phí công đoàn đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, tiền lương của CNVCLĐ được xếp theo thang bảng lương Nhà nước quy định. Còn đối với doanh nghiệp, hầu hết đều phân phối tiền lương theo kết quả sản xuất kinh doanh của người lao động, nên cao hơn nhiều so với số tiền thực tế làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do đó, kinh phí công đoàn cũng tụt giảm theo.

Tính đến 31.12.2012, toàn tỉnh có 3.860 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh.  Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành, số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương thấp hơn nhiều. Ngoài các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn, số còn lại rất khó tiếp cận.

Hiện tại, LĐLĐ tỉnh đã phân cấp tài chính cho LĐLĐ các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Công đoàn các KCN tỉnh, Công đoàn KKT Dung Quất và thành phố Quảng Ngãi (trong các năm đến sẽ phân cấp hết). Đối với các LĐLĐ địa phương, doanh nghiệp ít, việc thu kinh phí công đoàn còn “dễ thở”. Tuy nhiên, năm 2012 và 2013 việc thu kinh phí công đoàn của Công đoàn các KCN tỉnh, Công đoàn KKT Dung Quất gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu không đủ chi cho hoạt động công đoàn và trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách.

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách tại địa phương, ngành lại mỏng và chỉ từ 2- 4 người, trong đó, người biết nghiệp vụ kế toán và quản lý kinh tế rất ít. Việc thu kinh phí công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn đã khó và ít, nay phải thực hiện việc thu trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn là quá tầm đối với LĐLĐ cấp huyện và các ngành hiện nay.

Nguyên nhân làm nảy sinh những khó khăn trên là do Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện việc trích nộp, thu kinh phí công đoàn. Bên cạnh đó, chưa có giải pháp, biện pháp xử lý các đơn vị chây ỳ, né tránh việc thực hiện trách nhiệm đối với tổ chức công đoàn. Do vậy, để triển khai nghiêm túc Luật Công đoàn năm 2012 rất cần có chính sách cụ thể, chế tài xử lý đủ mạnh và sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng.


Bài, ảnh: PV
 


.