Hàng tỷ đồng tiền hỗ trợ cho học sinh chưa được chi trả, vì sao? (Kỳ 1)

01:09, 19/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14.5.2010 của Chính phủ Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 được ban hành đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được đến trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng tỷ đồng chưa được chi cho đối tượng hưởng thụ, vì sao?

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Chờ cho đến bao giờ?

Với những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khấm khá thì vào đầu năm học mới là niềm hân hoan được gặp lại bạn, thầy cô giáo thân yêu sau mấy tháng nghỉ hè. Nhưng với các em ở vùng đặc biệt khó khăn thì niềm vui ấy không trọn vẹn, vì tiền hỗ trợ từ năm học trước chưa được nhận.Tây Trà và Sơn Tây là hai huyện vùng cao nghèo khó nhất của tỉnh. Vì thế, chuyện học của học sinh nơi đây cũng không mấy thuận lợi nên rất cần sự tiếp sức của Nhà nước.


Lúc cần thì không có

Đầu năm học mới, các em học sinh Trường THCS Sơn Long (Sơn Tây) háo hức ra lớp. Các em phấn khởi vì năm học này, nhà trường vừa được xây mới 5 phòng ở nội trú, các em có nơi ăn ở, học tập khang trang. Nhưng buồn một cái là chuyện ăn uống của các em chưa thể khá hơn trước được.

 

      Bữa cơm đạm bạc của học sinh Trường THPT Tây Trà.
Bữa cơm đạm bạc của học sinh Trường THPT Tây Trà.


Buổi chiều miền núi mưa mù mịt bầu trời. Cuối giờ chiều, từng tốp học sinh quây quần bên bếp lửa để chuẩn bị bữa cơm tối. Trong căn bếp tập thể chật chội, hàng chục học sinh cả nam lẫn nữ, chen chúc nhau với hàng chục bếp lửa. Bữa cơm của các em chỉ có cơm và ít rau rừng.

“Gia đình quá khó khăn nên không có tiền mua thức ăn. Còn tiền hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước chờ hoài mà chẳng thấy, nên đành phải ăn tạm thế này”, em Đinh Văn Trân, học sinh lớp 9 bộc bạch. Nhiều thầy cô giáo ở đây cho biết, vào mùa mưa, cuối tuần các em không về nhà lấy gạo được thì thầy cô giáo ở đây phải nhường gạo và thức ăn cho các em. Nhưng khổ một nỗi là, học sinh thì đông mà giáo viên thì vài người nên cũng không thể giúp được là bao. “Giá như tiền hỗ trợ kịp thời sẽ giúp các em cố gắng học tập nhiều hơn nữa”, thầy Nguyễn Anh Tuấn, chia sẻ.

Cũng giống như Sơn Tây, học sinh vùng cao Tây Trà đang phải vật lộn với khó khăn để bám trường. Đầu năm học này, không chỉ ở những điểm trường xa xôi mà ngay trung tâm huyện, hàng chục căn lều tranh tre, vách nứa cũng được những em học sinh cấp 3 dựng tạm quanh trường để ăn ở. Các em đều được miễn hoặc giảm học phí, nhưng còn chi phí ăn ở thì gia đình phải tự lo nên rất cần có khoản tiền hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo cuộc sống.

Nghỉ hè lại cấp

Trong năm học, học sinh cần tiền hỗ trợ nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày và có điều kiện để bám trụ với trường lớp thì tiền không có. Nhưng đến lúc nghỉ học thì có tiền. Đó là một nghịch lý không đáng có trong việc thực hiện Nghị định 49/CP về chi trả tiền hỗ trợ học tập cho học sinh trong những năm qua ở tỉnh ta.

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Long cho biết, học sinh của trường phải chờ đến hết năm học thì tiền mới được đưa. Ông Lê Quang Mạnh - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Trà cho biết thêm, tiền hỗ trợ theo Nghị định 49/CP cho học sinh đã “đứt bóng” từ giữa năm học 2011 – 2012. Tổng số tiền còn thiếu để chi trả cho học sinh trên địa bàn huyện từ năm 2011 - 2013 gần 8 tỷ đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, các thầy cô ở miền núi nói rằng: “Nếu mua nợ thực phẩm đến khi có tiền cấp về sẽ trả nợ là chuyện dễ. Nhưng nếu mua gạo ăn trước rồi lại có gạo cấp về thì làm sao bán gạo để lấy tiền đủ trả nợ?”. Nếu có được 70 ngàn đồng được hỗ trợ kịp thời hàng tháng thì những em học sinh miền núi đỡ bớt phần nào chuyện miếng ăn hàng ngày để yên tâm bám trụ với trường lớp. Đấy là câu chuyện chưa vui mà các thầy cô giáo vùng cao luôn ca thán!


X.THIÊN – K.NGÂN

*Kỳ 2: Các ngành chức năng liên quan nói gì?

 


.