Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư: Góp phần gắn kết quan hệ lao động

03:09, 28/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp của tổ chức công đoàn” tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định hơn. Tuy nhiên để thực chất hóa các nội dung của Chỉ thị 22-CT/TW đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía.

TIN LIÊN QUAN

Thắt chặt mối quan hệ
 
Trong 5 năm qua, cùng với sự hoàn thiện và phát triển các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy nhanh số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đội ngũ công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đa dạng hóa về cơ cấu ngành nghề và theo đó nảy sinh các mối quan hệ lao động ngày càng phức tạp trên mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.
 
Bà Ngô Thị Kim Ngọc- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 140 công đoàn cơ sở doanh nghiệp trong tổng số 223 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Thời gian qua, nhận thức của các công đoàn và chủ doanh nghiệp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 22 của Ban Bí thư ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện để công đoàn phát huy vai trò của mình trong việc tham gia điều hòa và ổn định trong quan hệ lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ.
 
Trong quá trình hoạt động, các cấp công đoàn trong tỉnh đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người lao động nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc được giao, yên tâm phấn khởi làm việc, người sử dụng lao động đã quan tâm hơn đến lợi ích của người lao động. 
 
Những chuyển biến tích cực thể hiện rõ trong việc tỷ lệ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể ngày càng tăng. Nếu như năm 2010 có 40 doanh nghiệp thì đến năm 2013 đã có 76/140 doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công việc thỏa thuận, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nơi đó sẽ xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
 
Thông qua việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, các cấp công đoàn chủ động giải quyết các tranh chấp lao động, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động nên đã hạn chế được các vụ tranh chấp lao động xảy ra. 

 

Chỉ thị 22 góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ lao động
Thực hiện tốt Chỉ thị 22 của Ban Bí thư góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ lao động.
 
 
Ông Nguyễn Văn Lý- Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa người lao động với tổ chức công đoàn là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế thấp nhất việc xảy ra tranh chấp lao động, đình công trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Nhờ thực hiện tốt vấn đề này, nên trong những năm qua các doanh nghiệp thuộc Khối chưa có xảy ra tình trạng tranh chấp lao động, khiếu kiện, liên quan đến các mối quan hệ về lợi ích của người lao động với người sử dụng lao động.
 
Song song với công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ thì việc chăm lo đến đời sống CNVCLĐ luôn được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm. “An cư, lạc nghiệp”- nhà ở là mối quan tâm lớn của đông đảo CNVCLĐ. Và căn nhà vững chắc sẽ là nền tảng giúp người lao động yên tâm, phấn đấu công tác. Xác định nhu cầu cơ bản này, những năm qua, các cấp công đoàn tỉnh nỗ lực huy động nhiều nguồn lực đóng góp vào quỹ “Mái ấm Công đoàn Quảng Ngãi”, giúp những CNVCLĐ hoàn cảnh khó khăn có được nhà ở vững chắc. 
 
Vừa huy động nguồn đóng góp từ lực lượng CNVCLĐ, vừa tranh thủ huy động thêm các nguồn hỗ trợ trong và ngoài tỉnh, 5 năm qua, hơn 126 mái ấm công đoàn được dựng nên là sự nỗ lực không nhỏ của các cấp công đoàn tỉnh nhà.   
 
Thông qua hoạt động chăm lo đời sống một cách thiết thực cho CNVCLĐ, việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh được quan tâm... Nhờ vậy, ngày càng có nhiều công đoàn cơ sở tiến hành đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình của đơn vị, tạo điều kiện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên.
 
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
 
Bên cạnh những kết quả đạt được thì để thực chất hóa các nội dung của Chỉ thị 22-CT/TW đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía. Hiện nay, việc thực hiện pháp luật lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. 
 
Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, thực trạng chấp hành pháp luật lao động và quan hệ lao động tại doanh nghiệp chỉ được triển khai thực hiện tốt trong các doanh nghiệp nhà nước và một số công ty cổ phần và doanh nghiệp thuộc các loại hình doanh nghiệp khác. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân hầu hết chưa thực hiện nghiêm túc, thậm chí còn có biểu hiện lách luật trong việc ký kết hợp đồng lao động nhằm trốn tránh tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.
 
Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ gần 40% so với tổng số lao động  trên địa bàn. Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng.
 
Tính đến cuối năm 2012 có trên 500 đơn vị, doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm này với số tiền trên 30 tỷ đồng. Đồng thời, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp còn thấp, nội dung ít được chú trọng đến việc thỏa thuận các điều khoản có lợi cho người lao động, đôi khi còn mang hình thức, đối phó. Tiền lương của người lao động nhìn chung còn thấp, đời sống người lao động còn nhiều khó khăn...

 

Để “thực chất hóa” các nội dung của Chỉ thị 22-CT/TW đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía
Để “thực chất hóa” các nội dung của Chỉ thị 22-CT/TW đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía
 
 
Thực tế cho thấy, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp đòi hỏi sự cố gắng của các bên. Không chỉ từ phía người sử dụng lao động mà còn từ người lao động, tổ chức công đoàn. Trong điều tiết quan hệ lao động, công đoàn phải xác định rõ vai trò của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhằm cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. 
 
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ lao động, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động phải thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. "Làm tốt công tác này sẽ hạn chế các mâu thuẫn tiềm ẩn dẫn đến lãng công, đình công làm mất an ninh trật tự, gây thiệt hại cho cả người sử dụng lao động và người lao động, làm mất uy tín doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp theo Chỉ thị 22 của Ban Bí thư"- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Đồng nhấn mạnh. 
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 
 

.