Cạnh tranh khốc liệt vào nguyện vọng bổ sung

10:08, 26/08/2013
.

Sau một tuần xét tuyển nguyện vọng bổ sung, lượng hồ sơ nộp vào nhiều trường khá lớn. Cạnh tranh một suất ở giảng đường ĐH bằng nguyện vọng bổ sung xem ra khó khăn hơn rất nhiều so với nguyện vọng 1.
 

Rất đông thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: Như Hùng
Rất đông thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: Như Hùng


Tính đến hết ngày 24-8, Trường ĐH Sài Gòn đã nhận được hơn 3.500 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong đó, bậc ĐH có khoảng 1.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu chỉ có 335, bậc CĐ có hơn 2.500 hồ sơ trong khi chỉ tiêu 990. Trong số này, thí sinh nộp hồ sơ vào các ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, sư phạm sinh học, giáo dục chính trị phải cạnh tranh rất khốc liệt bởi lượng hồ sơ nhiều hơn từ 4-8 lần chỉ tiêu.

1 “chọi” 20

Chỉ có 400 chỉ tiêu bậc ĐH và 195 chỉ tiêu bậc CĐ nhưng đến thời điểm này, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã nhận được hơn 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Đa số các ngành chỉ từ 10-20 chỉ tiêu nên để có một suất ở giảng đường trường này không hề đơn giản. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngoại trừ ngành hệ thống thông tin quản lý có hồ sơ tương đối ít, các ngành còn lại đều có lượng hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu từ 2-5 lần. Trong đó, đáng kể nhất là ngành kế toán với 80 chỉ tiêu nhưng đã có 475 hồ sơ xét tuyển, quản trị kinh doanh có 348 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 120. Thống kê cho thấy điểm thi của thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển khá cao nên điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung các ngành này sẽ tăng rất mạnh.

Với số chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung khá ít ỏi nhưng Trường ĐH Tài chính - marketing đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ. Trong số này, ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (chuyên ngành quản trị nhà hàng) có lượng hồ sơ lên đến 416 trong khi chỉ tiêu chỉ có 20. Như vậy để vào được ngành này ở thời điểm hiện tại, một thí sinh phải “chọi” hơn 20 thí sinh khác. Một số chuyên ngành khác như thuế, kế toán, tài chính công cũng có lượng hồ sơ gấp năm lần chỉ tiêu cần tuyển.

Nhiều trường ĐH khác cũng có lượng hồ sơ khá lớn là Hoa Sen (hơn 2.000 hồ sơ), Cần Thơ (gần 4.000 hồ sơ)... Tại ĐH Hoa Sen, những ngành có lượng hồ sơ nhiều là môi trường, nhóm ngành kinh tế, trong khi các ngành còn lại lượng hồ sơ vẫn chưa nhiều. Ở ĐH Cần Thơ, tất cả các ngành đều có hồ sơ nhiều gấp đôi đến gấp 10 lần chỉ tiêu. Trong đó, các ngành như kinh doanh thương mại, quản trị kinh doanh, khoa học đất, hệ thống thông tin có lượng hồ sơ nhiều nhất nên cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Cân nhắc kỹ

Bên cạnh các trường có lượng hồ sơ lớn, cơ hội cho thí sinh vẫn còn nếu lựa chọn các trường khác khi lượng hồ sơ chưa nhiều. Ông Phạm Thái Sơn - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết lượng hồ sơ của thí sinh tập trung vào một số ngành như công nghệ thực phẩm, hóa thực phẩm, sinh học và kinh tế. Trong khi các ngành nhiều chỉ tiêu như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí hồ sơ khá ít. Như vậy, cơ hội vào các ngành khối kỹ thuật vẫn rộng mở.

Bên cạnh đó, hầu hết trường ĐH ở các địa phương như An Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Phú Yên, Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thủ Dầu Một (Bình Dương)... đều xét tuyển nguyện vọng bổ sung với chỉ tiêu khá lớn. Nhiều trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT hoặc các bộ chủ quản như Tây Nguyên, Đồng Tháp, Tài chính kế toán (Quảng Ngãi), Quy Nhơn cũng xét tuyển khá nhiều chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Năm 2012, điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung ở các trường này đa số bằng điểm sàn xét tuyển hoặc tăng từ 0,5-1 điểm. Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM xét tuyển 1.000 chỉ tiêu nguyện vọng 2 vào ĐH, CĐ các ngành quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kế toán... Điểm xét tuyển bằng điểm sàn, các khối A, A1, D1.

TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ: thời gian nộp hồ sơ xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày nên thí sinh vẫn còn nhiều thời gian để cân nhắc, chọn ngành, chọn trường. Dù là xét tuyển bổ sung nhưng thí sinh lưu ý cần phải hướng nghiệp trước, hướng trường sau. Thí sinh hãy cân nhắc ngành nghề phù hợp với mình trước, sau đó mới chọn trường phù hợp với điểm số cũng như điều kiện của mình.

 

Theo Minh Giảng/Báo Tuổi trẻ


.