Tuyển sinh vào 10: Chất lượng đầu vào thấp, áp lực cho bậc THPT

09:07, 21/07/2013
.

(QNg)- Đến nay các trường THPT công lập có tổ chức thi tuyển sinh vào 10 năm học 2013-2014 trên địa bàn tỉnh đã công bố điểm chuẩn cho nguyện vọng 1 và 2. Có thể nói, nhờ thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và là năm tuổi Dần (sinh năm 1998), người dân ít chọn để sinh con nên số lượng thí sinh dự thi và tỷ lệ chọi vào lớp 10 ở tỉnh ta năm nay ít hơn và thấp hơn so với các năm trước. Do đó, phụ huynh và học sinh ít bị áp lực thi cử, cơ hội các thí sinh được tuyển vào các trường THPT có tổ chức thi tuyển khá cao.

Điều đáng nói ở đây, điểm chuẩn vào nhiều trường năm nay nhìn chung là rất thấp, phần lớn chưa tới 3.5 điểm/môn. Các trường có điểm chuẩn thấp nhất, là Trường THPT số 2 Nghĩa Hành chỉ có 6.0 điểm, Trường THPT Thu Xà 10 điểm, THPT Sơn Mỹ chỉ 10.4 điểm.  Ba môn thi Toán, Văn, Tiếng Anh, trong đó Toán, Văn được tính hệ số hai, thành ra là 5 môn, cộng với điểm khuyến khích nghề phổ thông, hầu hết em nào cũng có từ (0,5 đến 1,5 điểm) mà chỉ có từng ấy điểm được tuyển vào, chứng tỏ chất lượng học tập của nhiều học sinh lớp 9 năm nay còn hạn chế, yếu kém nhiều.
 
Theo giới chuyên môn, đề thi tuyển sinh vào 10 năm nay của Sở Giáo dục và Đào tạo ra, gồm ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh, bám sát chương trình,  nằm ở mức độ bình thường, học sinh học lực trung bình đạt điểm 5 không khó. Nhiều em có kết quả, thành tích học tập bậc THCS, lớp 9 rất cao, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi được ghi trong hồ sơ học bạ, thế nhưng kết quả điểm thi tuyển sinh lại thấp lè tè, thậm chí có em bị điểm 0, điểm liệt.

Điểm đáng ghi nhận, công tác tổ chức thi tuyển sinh vào 10 từ trước đến nay ở tỉnh ta rất nghiêm túc, đúng quy chế, vì có tính cạnh tranh nên các thí sinh đều lo tự làm bài, hiếm có chuyện trao đổi, đưa bài cho thí sinh khác xem, chép. Chính sự nghiêm túc đúng nghĩa này đã góp phần đánh giá, phân loại tương đối chính xác về thực chất học lực của thí sinh khi thi tuyển vào 10.
 
Chất lượng đầu vào năm nay thấp, nó trở thành gánh nặng, áp lực lớn đối với thầy cô, nhà trường ở bậc THPT. Các em học sinh vào lớp 10, học lực yếu kém thế, thì làm sao thầy cô giáo bậc THPT bổ sung, vực dậy nổi sau ba năm học cấp 3? Học hành sa sút thường kéo theo sa sút về hạnh kiểm, đạo đức. Đòi hỏi các em tiến bộ nhanh, học tốt, thi đỗ tốt nghiệp cao, thật là khó cho nhà trường THPT.

Gặp được lứa học trò học được, chăm ngoan thì thầy cô giáo cấp 3 chúng tôi đỡ vất vả, còn trúng lứa học trò học tệ, sa sút thì thầy cô giáo chúng tôi mệt đừ. Nhưng biết làm sao bây giờ? Là những người đang giảng dạy bậc THPT, chúng tôi mong các nhà trường, thầy cô giáo ở bậc tiểu học, THCS giảng dạy có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả tốt hơn, đừng quá dễ dãi, đùn đẩy  những học sinh quá yếu lên bậc học cao hơn. Đồng thời mong công tác phân luồng học sinh học hết bậc THCS của ngành giáo dục và Nhà nước đã định hướng có bước chuyển biến thực sự về chất trên thực tế, chứ không dừng lại việc hô hào và nằm trên giấy.  


ĐỖ TẤN NGỌC
 


.