Kỹ sư, cử nhân phổ cập sơ cấp nghề - Kỳ 1: Vật vã tìm việc

02:07, 27/07/2013
.

(QNĐT)- Khó tìm được việc đúng ngành học, nhiều cử nhân chấp nhận làm lao động phổ thông trong thời gian chờ việc với tâm thế “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều khi chờ đợi mãi vẫn không có việc đúng trình độ, có những cử nhân đành đi học nghề để làm công nhân kỹ thuật.

 

Kỳ 1: Vật vã tìm việc

Giảng đường đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp, nhưng đó là ước mơ, hoài bão chính đáng của nhiều người. Để biến ước mơ thành hiện thực, nhiều bạn trẻ đã vượt qua vô vàn khó khăn để trở thành những ông cử, bà cử với hy vọng sẽ dễ dàng tìm cho mình một công việc thích hợp. Song thực tế hiện nay, nhiều ông cử, bà cử đành ngậm ngùi chịu cảnh thất nghiệp.

 

TIN LIÊN QUAN
  Kỹ sư không việc, 3 năm sống trong lều trống

Men theo con đường đất nhỏ nằm sâu trong xóm, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Vũ (37 tuổi) một kỹ sư điện tử ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) vào một buổi chiều trời trở giông.

Ngôi nhà của anh Vũ chỉ là túp lều tạm lụp xụp làm bằng cột kèo lợp ngói, không cửa, không tường. Bốn vách tường được bao bọc bằng những mảnh bạt đã rách tả tơi, mạng nhện giăng khắp nơi. Trong túp lều ấy chẳng có đồ đạc gì đáng giá ngoài bộ máy vi tính cũ, một chiếc giường ọp ẹp, vài bộ đồ lao động và cái bếp gas đã lên mốc meo vì đã lâu không nấu.

Gặp và tận mắt chứng kiến cuộc sống của anh khiến tôi đi từ ngạc nhiên đến chạnh lòng. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà những người có trí tưởng tượng phong phú đến nhường nào cũng không thể nghĩ một kỹ sư lại phải sống trong ngôi nhà có một không hai và tương lai mờ mịt đến thế.

 

3 năm qua, ngày nào anh Vũ cũng lên mạng tìm thông tin tuyển dụng nhưng vẫn không có kết quả.
3 năm qua, ngày nào anh Vũ cũng lên mạng tìm thông tin tuyển dụng nhưng vẫn không có kết quả.


Trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với số điểm cao, cùng với gia đình vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp, anh Vũ khoác ba lô vào Sài Gòn nhập học với những hoài bão về một tương lai tươi sáng. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa sa đà vào các tệ nạn, ăn chơi dẫn đến nợ môn, thi lại, học lại thì anh Vũ chỉ tập trung vào việc học.

Sau 5 năm miệt mài đèn sách, anh ra trường và nhanh chóng tìm được công việc ổn định ở Công ty chuyên sản xuất máy lọc nước (OBM). Tám năm bám trụ nơi đất khách quê người, anh quyết định trở về nơi chôn nhau cắt rốn để lập nghiệp.

May mắn thay, anh Vũ xin được vào làm việc ở một công ty xây dựng ở TP. Quảng Ngãi. Thế nhưng, mới vào làm việc yên ổn được 8 tháng thì công ty bắt đầu bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn, anh Vũ đành ngậm ngùi chia tay với công việc hiện tại và bắt đầu lại từ đầu là cầm hồ sơ tìm việc khắp nơi.

Cầm trên tay tấm bằng kỹ sư điện tử, những tưởng anh Vũ sẽ dễ dàng tìm được một công việc ổn định. Nào ngờ, đã 3 năm trôi qua mà hành trình tìm việc của anh khá gian nan. Từ đăng ký tìm việc ở Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, anh Vũ “gõ cửa” khắp các cơ quan nhà nước, nhà máy, công ty như: Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), Công ty Máy tính Hồng Hà, Công ty Linh kiện Điện tử Footer…, nhưng tất cả đều trả lời đã đủ người, không có nhu cầu.
 

 
 

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2013, cả nước có 183.600 người mới gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, do nền kinh tế không tạo đủ việc làm nên số lượng người thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn có xu hướng gia tăng. Trong đó, theo thông tin từ nhiều địa phương, số lượng cử nhân, có em tốt nghiệp loại giỏi vẫn không thể có việc làm. Đơn cử như Thanh Hóa có tới gần 25.000 sinh viên thất nghiệp (con số cộng dồn nhiều năm).

Đang lúc chờ đợi trong vô vọng, anh Vũ vui như mở hội khi tìm được việc phụ giúp một người bạn thi công công trình cho một công ty xâp lắp, nhưng cũng chỉ được 3 tháng đã hết việc.

"Mình không nhớ là mình đã nộp bao nhiêu bộ hồ sơ xin việc. Ngày nào cũng lên mạng tìm việc, cứ thấy nơi nào thông báo tuyển dụng là mình đem hồ sơ tới nộp ngay. Đến giờ này mình vẫn còn cảm giác của kẻ thất bại sau mỗi lần nộp hồ sơ"- anh Vũ tâm sự.

Cũng vào thời gian này, ngôi nhà của bố mẹ đã lâu không có người ở xuống cấp nghiêm trọng nên gia đình anh Vũ quyết định tháo dỡ và tập kết vật liệu để xây nhà mới. Và bi kịch cũng bắt đầu từ đây khi gia đình một người bác họ nảy sinh tranh chấp, cản trở không cho anh tiến hành thi công xây dựng nhà mới.

Mặc dù việc tranh chấp đất đai của 2 bên gia đình đã được Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phần thắng thuộc về gia đình anh, nhưng gia đình người bác vẫn cản trở, làm sự việc kéo dài đến tận hôm nay, khiến anh Vũ phải sống lay lắt trong túp lều tàn tạ suốt 3 năm ròng rã.

Ngồi thẫn thờ bên đống sắt đã hoen rỉ và đống xi măng đã hỏng, vẻ chán nản, tự ti hiện rõ trên khuôn mặt, "Mưu sinh nơi đất khách quê người đã khó, mưu sinh nơi quê nhà càng khó gấp vạn lần. Mình không ngờ cuộc sống của mình lại rơi vào cảnh đường cùng đến thế. Đã 37 tuổi mà không nhà, không việc phải sống nhờ vào phụ cấp của gia đình làm sao dám nghĩ đến chuyện vợ con..”. Anh Vũ bỏ dở câu nói, mắt dõi nhìn xa xăm.

*Kỹ sư đi bán cơm

Khi gặp Duy- chủ một quán cơm bình dân cạnh cổng Trường cao đẳng Kỹ thuật- Công nghiệp Quảng Ngãi, chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi vất vả, nhọc nhằn của những kỹ sư “vật vã” tìm việc.

Ra trường từ năm 2003, cũng như anh Vũ, sau 4 năm làm việc ở chốn đô thị phồn hoa, trong nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại, với tài sản lớn nhất là sức trẻ và tri thức trau dồi được, anh Duy cứ ngỡ mình sẽ dễ dàng “bén rễ” ở đất quê.

Sau chuỗi thời gian 2 năm “hoàng kim” vì được làm việc cho một dự án ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với mức lương tương đối cao, 3 năm qua anh Duy phải chạy đôn chạy đáo, mang hồ sơ đi khắp nơi nhưng không nơi nào nhận khi dự án đã bàn giao.

Nhiều kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp khá chật vật khi xin việc làm.
Nhiều kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp khá chật vật khi xin việc làm.


Rồi áp lực từ việc kiếm tiền để trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ với 4 miệng ăn, anh Duy đã quyết định thuê quán và bán cơm bình dân phục vụ sinh viên để kiếm sống qua ngày và... chờ thời cơ. Mỗi ngày vợ chồng anh bán được 40 suất cơm, kiếm được khoảng 160.000 đồng. Trừ chi phí thuê quán, điện, nước, hai vợ chồng kiếm được 3 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Duy chia sẻ: "Ở Sài Gòn ngày nào cũng nghe tivi, báo chí thường xuyên đề cập về KKT Dung Quất với nhiều dự án, công trình đang được đầu tư, xây dựng, cứ ngỡ một kỹ sư được đào tạo chính quy như mình không khó để tìm một công việc ổn định, nào ngờ khi vác hồ sơ đi xin việc mới thấy giữa lý thuyết và thực tế rất đỗi xa vời”.

Mới đây, anh Duy may mắn xin được vào làm hợp đồng ở một công ty chuyên sản xuất bê tông nhưng không có bảo hiểm, điều quan trọng là anh không biết tương lai mình có được công ty kéo dài hợp đồng hay không?
 
Không chỉ anh Vũ, anh Duy mà trong khi tìm hiểu để thực hiện bài viết này, chúng tôi được gặp và nghe rất nhiều câu chuyện buồn của những kỹ sư, cử nhân đang loay hoay tìm việc. Thực tế khảo sát cho thấy rằng, có đến 50% sinh viên làm trái ngành và thất nghiệp trong khoảng thời  gian 1 năm sau khi tốt nghiệp. Đây một con số đáng để chúng ta phải suy nghĩ.


Bài, ảnh: Ái Kiều

Kỳ 2: Thầy học làm thợ

 


.