Gian nan mùa tuyển sinh

09:07, 23/07/2013
.

(QNg)- Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh vào lớp 10 là cuộc “chạy đua” của các trường THPT vùng cao bắt đầu. Tâm trạng thấp thỏm, lo thiếu học sinh và chất lượng đầu vào thấp là thực trạng chung của nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi nói chung và huyện Sơn Tây nói riêng.

TIN LIÊN QUAN
Trong khi các huyện khác ở đồng bằng đang diễn ra cuộc “chọi” nghẹt thở giữa các thí sinh, thì ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) số lượng học sinh tuyển mới vào lớp 10 của nhà trường qua các năm đều không đạt chỉ tiêu. Trong năm học mới 2013-2014 nhà trường đang phải đối diện với nỗi lo, làm sao để tuyển đủ số lượng học sinh theo kế hoạch của tỉnh giao. Vì tính đến thời điểm này mới chỉ có 161 hồ sơ lớp 10 nộp vào trường, trong khi chỉ tiêu tỉnh giao là 290 em.

 

Điều kiện đi lại quá khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh miền núi bỏ học. Trong ảnh: Nhiều học sinh ở Sơn Tây phải đi bộ gần chục cây số mới đến được trường.
Điều kiện đi lại quá khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh miền núi bỏ học. Trong ảnh: Nhiều học sinh ở Sơn Tây phải đi bộ gần chục cây số mới đến được trường.


Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm qua ở huyện miền núi Sơn Tây. Nếu nhìn vào tỷ lệ học sinh lớp 9 đã tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện hằng năm thì thấy rằng chỉ tiêu đầu vào lớp 10 là không đáng lo. Thế nhưng, mấy năm qua, chỉ tiêu đầu vào lớp 10 của trường cũng không “cán đích” như mong đợi.

 

Lãnh đạo Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Mọi năm đến giữa tháng 7 là trường đã tiến hành chốt danh sách, kết thúc đợt tuyển sinh lần 1 và sẽ có đợt tuyển sinh lần 2. Thế nhưng năm nay đến thời điểm này trường vẫn chưa có quyết định chốt danh sách tuyển sinh vì số lượng học sinh nộp hồ sơ vào lớp 10 còn thấp. Để kịp thời tiếp nhận hồ sơ của các em, trường cử cán bộ, giáo viên trực thường xuyên tại trường. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.

Đơn cử như năm học 2010 – 2011, trường chỉ tuyển được 163 học sinh; năm học 2011 - 2012 tuyển được 238 học sinh, năm học 2012 – 2013 là 156 học sinh. Mặc dù, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên đến từng thôn, xóm để vận động nhưng lượng học sinh vào lớp 10 cứ hụt dần. Bên cạnh số lượng thiếu, chất lượng “đầu vào” cũng là một thách thức lớn đối với nhiệm vụ đào tạo của nhà trường.

Nguyên nhân dẫn đến việc các em không tiếp tục theo học cao hơn là do quan niệm coi nhẹ sự học của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Mặt khác, do đường sá đi lại và điều kiện kinh tế của người dân còn quá khó khăn nên nhiều em đã nghỉ học giữa chừng. Vấn đề này không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai mà cần cả một chặng đường dài. Chính vì vậy, trước mắt và hơn hết, chính các bậc cha mẹ phải thay đổi nhận thức của mình, cho con em đi học là để có kiến thức và có tương lai tươi sáng hơn.

Còn một khi nhận thức của đồng bào còn hạn chế, cộng với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều rào cản từ những quan niệm lạc hậu thì sự học ở vùng cao vẫn còn nhiều gian truân. Mặt khác,  các cấp chính quyền ở địa phương cần tăng cường  hơn nữa công tác tuyên truyền. Về phía nhà trường cũng cần chủ động và nỗ lực hơn để sự học vùng cao ngày một khởi sắc.


Bài, ảnh: P.V  
 


.