Niềm đam mê được khơi dậy

09:06, 05/06/2013
.

(QNg)- Hội thi tìm hiểu “Lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi” lần đầu tiên được tổ chức ở tỉnh ta đã khơi dậy niềm đam mê học lịch sử địa phương đối với đông đảo học sinh, thậm chí với cả các bậc phụ huynh.  

TIN LIÊN QUAN


Mình là ai?

Học sinh bậc THCS ở các địa phương trong tỉnh đã tự mình đi tìm đáp án cho câu hỏi “Mình là ai?” qua các phần thi tự giới thiệu, văn nghệ, kiến thức và kỹ năng tuyên truyền. Qua làn điệu dân ca mượt mà và bằng nhiều tình huống khác nhau, các em tự hào giới thiệu về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn với nhiều bậc anh hùng hào kiệt, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và các món đặc sản thuộc vào hàng “đệ nhất”.

Hội thi tìm hiểu “Lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi”.
Hội thi tìm hiểu “Lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi”.


Nhiều người bảo rằng, hội thi tìm hiểu “Lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi” sẽ trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản mà mỗi người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Ngãi cần phải biết. Mình là ai? Câu hỏi về cội nguồn, về lịch sử địa phương nơi “mỗi người chỉ một” tưởng chừng đơn giản, thế nhưng đối với không ít người vẫn còn là “nút thắt”. Nhiều người không khỏi bỡ ngỡ trước những câu hỏi như: Đâu là đệ nhất thắng cảnh ở Quảng Ngãi? Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là ai? Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tỉnh Quảng Ngãi có tên gọi là gì? Danh xưng Quảng Nghĩa xuất hiện từ năm nào? Hàng nghìn học sinh THCS trong tỉnh hào hứng đi tìm đáp án để khơi thông mạch nguồn kiến thức thông qua hội thi tìm hiểu “Lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi”. Em Nguyễn Văn Thọ, lớp 9D, Trường THCS Phổ Thuận (Đức Phổ) thổ lộ: “Hội thi này rất bổ ích, giúp chúng em học được nhiều kiến thức về non nước xứ Quảng quê mình”.

Không chỉ có học sinh “sống dậy” niềm đam mê tìm hiểu kiến thức về lịch sử địa phương mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích từ hội thi này. Một phụ huynh ở huyện Ba Tơ thấm thía: “Tôi đến với hội thi với vai trò cổ vũ, nhưng không ngờ học được nhiều kiến thức bổ ích. Có nhiều câu hỏi đơn giản, thế mà ngay cả người lớn chúng tôi cũng bó tay. Đúng là nên đẩy mạnh việc giảng dạy bộ môn lịch sử địa phương”.  
 

“Hội thi tìm hiểu kiến thức về lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi góp phần khơi dậy trong học sinh tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Đây là hoạt động bổ ích, có sức lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả cao”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích nhận định.

Cơ hội khắc sâu kiến thức   

Qua hội thi tìm hiểu “Lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi” cho thấy, bộ môn lịch sử địa phương không khô cứng, đơn điệu, mà ngược lại lôi cuốn, hấp dẫn người học nếu biết cách khai thác. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học phải đẩy mạnh giảng dạy lịch sử địa phương gắn với lịch sử dân tộc. Ở tỉnh ta, ngành giáo dục rất chú trọng đến việc đưa vào giảng dạy bộ môn lịch sử địa phương. Tuy nhiên, nội dung kiến thức cũng như phương pháp truyền đạt nhìn chung còn hạn chế, chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với học sinh.

Thầy giáo Trần Văn Vàng, dạy môn Lịch sử, Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức) cho rằng, việc truyền đạt kiến thức thông qua mô hình của hội thi tìm hiểu “Lịch sử quê hương, đất nước, con người Quảng Ngãi” rất có hiệu quả. Thông qua hội thi này việc dạy và học môn lịch sử địa phương ở các trường THCS như được đánh thức. “Nên thường xuyên tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử quê hương, đất nước và con người Quảng Ngãi để học sinh khắc sâu kiến thức về lịch sử địa phương, đồng thời cũng là để xây đắp trong các em tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước”, thầy giáo Vàng đề nghị. Về vấn đề này, ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo: “Các phòng giáo dục, các trường học chủ động sử dụng tư liệu của hội thi, triển khai, nhân rộng mô hình này đến tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới”.
 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ  
 


.