Kết thúc SEAMEC 47:
Thành lập trung tâm Hoc tập suốt đời tại Việt Nam

10:03, 21/03/2013
.

Trưa 21-3, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo thông báo kết quả Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEC) lần thứ 47 vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

Từ năm 2013 trở đi, Hội nghị Hội đồng SEAMEO được tổ chức hai năm một lần
Từ năm 2013 trở đi, Hội nghị Hội đồng SEAMEO được tổ chức hai năm một lần



Với cương vị là tân Chủ tịch Hội đồng của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông báo sẽ thành lập Trung tâm khu vực SEAMEO về Hoc tập suốt đời (SEAMEO CELLL) tại Việt Nam.

Hội nghị cũng đã thông qua nghị quyết và tổ chức Lễ kết nạp Vương quốc Anh là quốc gia thành viên liên kết thứ 8 của SEAMEO; khởi động Dự án Diễn đàn SEAMEO (SEAMEO College) do Ngân hàng ADB tài trợ; thông qua và ký Tuyên bố SEAMEO về hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển của khu vực; báo cáo tiến độ và kết quả các chương trình hoạt động, các dự án nhằm thực hiện nghị quyết của Hội nghị SEAMEC 46 trong 2 năm qua (2011-2013) và các đề xuất chương trình hoạt động trong thời gian tới.

Diễn đàn chính sách với chủ đề: "Học tập suốt đời-chính sách và viễn cảnh", cùng 6 tham luận của Việt Nam, Thái Lan, Viện Nghiên cứu về Học tập suốt đời của UNESCO, OECD, EU…. tập trung chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước Đông Nam Á và với các nước châu Âu về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; chỉ ra tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này và đưa ra các định hướng phát triển học tập suốt đời ở Đông Nam Á.

Cuộc họp bàn tròn các vị Bộ trưởng/trưởng đoàn tập trung vào 2 nội dung chính: xây dựng xã hội học tập ở các nước Đông Nam Á, và nỗ lực chung các quốc gia thành viên SEAMEO góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và các năm tiếp theo.

Đối với việc giảm khoảng cách giáo dục giữa các nước trong khu vực, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết các nước sẽ có hai công việc cần giải quyết. Đó là giữ bản sắc riêng của mỗi nước, bản sắc này phải được duy trì và tôn trọng. Đồng thời, khoảng cách về trình độ cần có giải pháp để thu hẹp như đào tạo giáo viên, thông nhất chương trình, chuẩn hóa khung chương trình, đào tạo tiếng Anh, những kỹ năng thực hành…

 

Theo Hà Nội mới


.