Kiếm thêm thu nhập từ nghề truyền thống trong dịp Tết

03:01, 20/01/2013
.

(QNĐT)- Thời điểm này, nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công bắt đầu vào guồng hoạt động hết công suất để kịp đưa ra thị trường những sản phẩm truyền thống phục vụ trong dịp Tết. Đây cũng là thời gian hàng trăm lao động nông thôn có cơ hội kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống khi Tết đến, xuân về.

TIN LIÊN QUAN


Có mặt tại một số cơ sở sản xuất các mặt hàng bánh, mứt, kẹo truyền thống trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được nhịp lao động hối hả để kịp thời mang “Tết” về khắp mọi miền quê. Nếu như những ngày thường, các cơ sở này chỉ có 2-3 lao động làm việc thì dịp này số người làm thời vụ tăng lên gấp 3-5 lần.

 

Nhiều lao động nông thôn tranh thủ xin làm việc thời vụ tại các cơ sở sản xuất thủ công trong dịp gần Tết để kiếm thêm thu nhập
Nhiều lao động nông thôn tranh thủ xin làm việc thời vụ tại các cơ sở sản xuất thủ công trong dịp gần Tết để kiếm thêm thu nhập


Ông Võ Bảo- Chủ cơ sở sản xuất bánh tráng ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) cho hay: Ngày thường tôi chỉ cần 3-4 lao động phục vụ sản xuất ra khoảng 14 nghìn cái bánh tráng mỏng để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và tỉnh Quảng Nam, Đà Lạt, Đà Nẵng.

“Nhưng với thời gian giáp Tết thì cơ sở của gia đình phải tăng năng suất làm việc lên gấp đôi nên có nhu cầu tuyển thêm 7-10 lao động. Việc này vừa giúp cơ sở có thể kịp thời sản xuất số lượng lớn sản phẩm, vừa giúp nhiều lao động kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn”- Ông Bảo nói.

 

Dịp này, nhiều cơ sở làm nghề truyền thống cũng tăng tốc sản xuất
Dịp này, nhiều cơ sở làm nghề truyền thống cũng tăng tốc sản xuất


Trong dịp cận Tết, nhu cầu tăng thêm lao động tại các cơ sở như của ông Bảo là điều tất yếu xảy ra, đã giúp nhiều người có thêm thu nhập đáng kể. Số lao động thời vụ được thuê tùy thuộc vào nhu cầu sản xuất của các cơ sở lớn, nhỏ khác nhau. Có nhiều cơ sở sản xuất lớn cần thêm 20-30 lao động thời vụ mới đáp ứng được nhịp sản xuất một khối lượng lớn hàng hóa truyền thống phục vụ trong dịp Tết.

Chị Lê Thị Thúy ở xã Hành Trung gắn bó với công việc thời vụ làm bánh tráng đã hơn 5 năm. Chị Thúy cho biết: Gia đình tôi có 5 sào ruộng. Quanh năm lao động quần quật ngoài đồng chỉ kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Năm nào cũng vậy, thời gian này, sau khi công việc gieo sạ đã hoàn tất thì tôi tranh thủ xin làm thêm ở các cơ sở này để kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày công được khoảng 100 nghìn đồng.


Cứ như vậy, từ đầu tháng 11 âm lịch, chị Thúy “đầu quân” cho các cơ sở ở làng nghề truyền thống bánh tráng ở đội 8, thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung. Chỉ trong vòng 2 tháng làm việc, chị Thúy có nguồn thu nhập gần 7 triệu đồng.

Có cùng quan điểm với chị Thúy, chị Nguyễn Thị Lắm- lao động thời vụ tại cơ sở sản xuất bánh nổ ở thị trấn Sông Vệ chia sẻ: Đời sống kinh tế của gia đình dựa vào mấy sào lúa chẳng dư bao nhiêu, thậm chí là thiếu trước hụt sau. Nhưng với số tiền vài triệu đồng thu được từ những công việc thời vụ, tôi có thể mua sắm thêm quần áo mới cho các con và sắm sửa đồ lo Tết cúng ông bà một cách đủ đầy trong những ngày đầu năm mới.

 

Hầu hết các lao động thời vụ tại các cơ sở sản xuất truyền thống đều là lao động nữ
Hầu hết các lao động thời vụ tại các cơ sở sản xuất truyền thống đều là lao động nữ


Công việc tại các cơ sở sản xuất nghề truyền thống thủ công tương đối nhẹ nhàng, kéo dài khoảng 8 tiếng/ngày với số tiền công từ 80-150 nghìn đồng/ngày. Hầu hết các lao động thời vụ được thuê làm ở các cơ sở này trong dịp gần Tết đều là lao động nữ. Bởi với sự dẻo dai, chịu khó và công việc nhẹ nhàng, lao động nữ làm việc có hiệu quả hơn nhiều.

Các lao động cùng nhau tham gia làm ở nhiều công đoạn để tạo ra các sản phẩm đậm chất quê hương mang đến người tiêu dùng trong dịp Tết như: Bánh tráng, bánh thuẫn, bánh nổ, mứt gừng… Không chỉ mang lại thu nhập cho mình mà còn góp phần mang những sản phẩm truyền thống trong ngày Tết đến khắp mọi nhà.

 


Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.