Cho nghiên, cho bút

04:12, 03/12/2012
.

(QNg)- Từ xa xưa đã truyền lại câu tục ngữ "Cho bạc, cho tiền không bằng cho nghiên, cho bút" từ đó hình thành nên phong trào khuyến học ngày nay. Mười năm gây dựng, phong trào ấy đã 3 lần "mở" đại hội biểu dương, với sự nô nức, xúc động, tự hào bởi chính từ phong trào ấy mà đất nước thêm nở hoa thơm, kết trái ngọt lành.

* Vinh danh gương sáng

Sáng 30/11/2012, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức Đại hội biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học khu dân cư khuyến học tỉnh lần thứ III (2009 - 2012). Đây thực sự là một đại hội nhưng không nặng về báo cáo tổng kết, đề ra chỉ tiêu mà dường như chỉ thiên về vinh danh niềm tự hào "hiếu học". Các ông bố bà mẹ mái tóc bạc màu sương gió; những ông cụ, bà cụ đại diện cho dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học từ non cao đến hải đảo đến sớm, đông đủ. Nét mặt ai cũng hiện rõ sự phấn khởi, vui tươi, bước vào đại hội với sự tự tin ấn tượng dẫu trong số "đại biểu" ấy nhiều người cả đời chỉ biết đến củ khoai, hạt lúa, cọng rau. Nhưng họ đều có chung một niềm vui lớn của một phong trào lớn mà nhân dân tỉnh nhà đang dày công vun đắp: Hiếu học và khuyến học.

Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Từ Tân Vũ trao giấy khen cho các gia đình, dòng họ hiếu học.
Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Từ Tân Vũ trao giấy khen cho các gia đình, dòng họ hiếu học.


Lão ngư Phạm Hồng Hai, ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) vui mừng bước lên khán đài trước đông đảo các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và khu dân cư khuyến học để đọc bản báo cáo điển hình của gia đình mình trong đại hội. Bản báo cáo không có những con số nhưng thấm đẫm mồ hôi, nhọc nhằn mà người nghe sẽ nhớ mãi: Tôi là ngư dân nghèo nhưng cần cù chịu khó bám biển, chắt chiu dành dụm nuôi 4 con ăn học. Đến nay đã có 3 con tốt nghiệp đại học ra trường đi làm; còn một đứa đang học lớp 12.

Ông Đinh Tiên Hoàng, dân tộc Cor, ở xóm Hố Dài, thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) vinh dự được mời tham gia Đoàn Chủ tịch của Đại hội. Ông báo cáo thành tích hiếu học của gia đình mà như kể lại câu chuyện cổ tích của đời mình vậy. 18 tuổi - khi ấy đã là chàng thanh niên Cor cường tráng, ông Hoàng mới vào lớp 1. Bảy năm sau gia cảnh quá khó khăn, đường sá xa xôi cách trở, ông đành phải nghỉ học khi đang là cậu học trò lớp 7. Khát vọng học tập vẫn cháy bỏng trong ông và được ông thắp lên trong tim những đứa con của mình. Làm được bao nhiêu của cải, vợ chồng ông đều đầu tư hết vào cái ăn, cái học của các con. Ông có 3 người con hiện giờ đang thay ông viết tiếp ước mơ "dùi mài kinh sử": Con trai đầu đang học năm thứ 5 đại học Y dược Huế; con trai thứ hai học Học viện Phòng không Không quân vừa ra trường đang công tác tại Quân khu V; con trai út học lớp 11…

Tấm gương hiếu học của gia đình ông Lê Hoàng ở thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) kể về con trai, con dâu, con rể của mình đều từ nghèo khó mà vươn lên học hành đỗ đạt đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong đại hội. Trong đó có người con trai thứ của ông Hoàng là Lê Văn Thảo, học giỏi từ tiểu học đến đại học và hiện là Hiệu phó Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng…

* Góp bút, trao nghiên…


Không chỉ hiếu học, các gia đình này còn là điển hình về phong trào khuyến học ở địa phương. Họ luôn sẵn lòng "góp nghiên, góp bút" để con cháu trong xóm, trong thôn có sách vở bút, áo quần đến trường theo đuổi con chữ…
Dòng họ khuyến học, dòng họ Nguyễn Mậu ở xã Đức Lân (Mộ Đức) đã kể rằng: Tổ tiên đến nay đã 17 đời, gồm 8 phái, với 395 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Hiện đã có 360/395 hộ của dòng họ đăng ký gia đình hiếu học. 10 năm qua, dòng họ Nguyễn Mậu đã vận động được hơn 73 triệu đồng vào Quỹ khuyến học, để trao thưởng, hỗ trợ tập vở, quần áo cho con cháu vượt khó học giỏi. Nhờ đầu tư cho công tác khuyến học, dòng họ Nguyễn Mậu đã có 3 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, hơn 100 cử nhân.

Dòng họ Đặng ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) chỉ với 162 hộ sinh sống trên đảo, nhưng có tới 87 người tốt nghiệp đại học có việc làm hiện đã thành đạt và 94 người đang học đại học, trên đại học, trung cấp, cao đẳng. Cách làm "khuyến học" của dòng họ Đặng cũng rất đặc trưng. Cứ vào mùng một tết âm lịch, dòng họ tập trung trước tộc đường, trước viếng thăm tiên linh, chúc tết, rồi nghe báo cáo về tình hình học tập của con em trong dòng tộc, sau đó phát thưởng và vận động đóng góp vào quỹ khuyến học của dòng họ.

Xã vùng cao Ba Cung (Ba Tơ) có khu dân cư số 2 được chọn báo cáo điển hình về khu dân cư khuyến học. Khu dân cư số 2 thành lập Chi hội Khuyến học vào năm 2004; đến nay có tất cả 83 hội viên. Tính từ ngày thành lập đến nay Chi hội đã vận động được 32 triệu đồng quỹ khuyến học, phục vụ cho việc hỗ trợ các em học sinh, sinh viên trong khu dân cư có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.

Nhìn nhận kết quả sau 10 năm xây dựng và phát triển phong trào khuyến học, ông Từ Tân Vũ - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng: "Mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đó là tiền đề quan trọng để tiến đến xây dựng xã hội học tập theo phương châm Đảng ta đã khẳng định: Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời".
    

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.