Vấn nạn tuyển dụng lao động "chui"- Kỳ 1: Về tận làng "săn" người lao động

09:11, 01/11/2012
.

(QNg)- Từ những lời mời mọc "có cánh" với mức lương họ chưa bao giờ mơ tới, để rồi, nhiều người rơi vào "cạm bẫy" của những tay "cò" lao động "chui". Sự việc đã diễn ra nhiều năm nhưng sự vào cuộc của các cấp, các ngành còn quá chậm. Vì thế, "cò" lao động vẫn ngang nhiên hoạt động, và một khi sự việc vỡ lở thì đa phần các gia đình tự thu xếp…

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1:  Về tận làng "săn" người lao động


Công việc nhà nông nặng nhọc, ít tiền nên hàng trăm thanh niên ở sáu huyện miền núi trong tỉnh thường tìm kiếm cho mình những công việc nơi đất khách quê người với mong muốn đổi đời. Lợi dụng điều này, những đối tượng tuyển dụng lao động "chui" ở các tỉnh Tây Nguyên "tràn" về các vùng quê tuyển người và khi đưa được người đi rồi thì họ "lật lọng" đối với người "được tuyển".

 


Mới đây nhất, sáu thanh niên xã Sơn Hạ (Sơn Hà) bị lừa phải lao động khổ sai trong các rẫy cà phê. Ba trong số sáu người may mắn trốn thoát. Câu chuyện buồn của ba thanh niên Đinh Quốc (SN 1984), Đinh Bài (SN 1981) và Đinh Văn Ruôn (SN 1983) vừa trở về từ một cuộc đào thoát may mắn vẫn được người dân xóm Đèo Gió, xã Sơn Hạ bàn tán rôm rả. Ngồi bên hiên nhà nhìn xa xăm về ngọn núi cao sương mù phủ dày, gương mặt chàng thanh niên Đinh Quốc vẫn còn hiện hữu vẻ bàng hoàng sau những gì đã diễn ra.

Chị Đinh Thị Rào (bên phải) kể lại ký ức kinh hoàng hơn 2 năm về trước.
Chị Đinh Thị Rào (bên phải) kể lại ký ức kinh hoàng hơn 2 năm về trước.


Vào giữa tháng 8/2012, bà Lê Thị Mỹ Lệ (43 tuổi), trú huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc đến địa bàn thôn Đèo Gió tuyển người vào làm rẫy cà phê với mức lương "hấp dẫn" 3,5 triệu/người/tháng và khi vào vụ cà phê chính thì tăng lên 4 triệu đồng/tháng. Các khoản khác như tiền xe, tiền đau ốm, thuốc điều trị, cuối năm về cho quần áo mới…  cho ứng trước mỗi người từ 1 đến 2 triệu đồng. Nghe lời "chào hàng" quá "hấp dẫn", sáu thanh niên không nghĩ ngợi gì mà ngay hôm đó đón xe xuống thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) theo bà Lệ lên Tây Nguyên mà không biết mình đang bị "gài bẫy".

Đến Lâm Đồng, sáu thanh niên bị quản thúc trong căn phòng chật chội, ẩm thấp có người canh giữ, mỗi ngày chỉ được ăn ba gói mì tôm với giá "cắt cổ" (100.000đồng/gói) và chờ người đến "mua" đưa đi.

Tương tự là trường hợp của chị Đinh Thị Hoanh (SN 1988). Đã gần 4 tháng trôi qua, nhưng ký ức về những ngày khổ sai trong rẫy cà phê khiến Hoanh luôn rùng mình mỗi khi nhắc đến.

Đầu năm 2012, hai người lạ đến gần nhà chị Hoanh nói tuyển lao động làm cà phê, lương hơn 3 triệu đồng/tháng, cộng với nhiều "ưu đãi" khác. "Nghe thế, mình theo họ đi, ai ngờ họ không đưa mình lên Đắc Lắc mà chở mình vào tỉnh Lâm Đồng và đưa lên rẫy cà phê tít trên núi cao. Mình làm đến tháng thứ 3 gặp ông chủ hỏi lương thì ổng bảo: "Tiền công chưa trả đủ số tiền họ phải bỏ ra "chuộc" cô từ "cò" lao động đưa về đây. Muốn về thì điện người nhà gửi tiền vào thế mạng. Công việc nặng lắm, lúc nào cũng có người canh giữ cả nên không thể nào thoát thân được" - chị Hoanh kể.

Cũng bị lừa "bán" lên Tây Nguyên lao động, nhưng với chị Đinh Thị Rào (1984), người dân tộc H'rê , ở thôn Tà Màu, xã Sơn Trung (Sơn Hà), lại rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn. Vốn đã có chồng và một đứa con, nhưng quanh quẩn ở quê, gia cảnh vẫn cứ nghèo. Nghe lời hai đối tượng lạ mặt đến tuyển người làm rẫy cà phê với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Bỏ mặc chồng, con, chị gia nhập đoàn người làm thuê với hi vọng đổi đời. Khi đến Lâm Đồng, công việc chị làm hàng ngày là hái cà phê. Từ tháng 3 đến tháng 11/2010, chị không nhận được một đồng lương. Nhớ chồng, thương con nhưng không có điều kiện trở về vì chủ rẫy không trả tiền. Biết đã rơi vào cạm bẫy nên chị Rào tìm mọi cách thoát thân nhưng nhiều lần đều bất thành.

 Đầu tháng 12/2010, người chủ thuê chị bảo chị đi miền Tây gặt lúa và trả tiền luôn một thể. Thật thà, chất phát, không biết miền Tây là ở đâu, nhưng chủ bảo thì đi. Sau một tuần theo chủ, kết quả, chị bị đưa sang Campuchia. Chỉ  khi vào nhà một người Việt kiều xin nước uống và hỏi thăm miền Tây là ở chỗ nào thì mới hay mình đã bị bán sang bên kia biên giới. "May mắn bà con Việt kiều thấy được quỷ kế của bọn cò lao động nên đã báo cho bộ đội Biên phòng Việt Nam. Từ đó, Bộ đội biên phòng Việt Nam phối hợp với công an nước bạn truy bắt các đối tượng cò lao động và giải cứu đưa về tỉnh An Giang. Nhờ đó, mới có cơ may hồi hương" - chị Rào tâm sự.


LÊ ĐỨC - XUÂN THIÊN
(Còn nữa)

 


.