Xung quanh tỷ lệ giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư thấp

09:10, 19/10/2012
.

Theo thống kê hiện nay mới chỉ có 1% giảng viên là Giáo sư và gần 5% giảng viên là Phó Giáo sư. Đây là một tỷ lệ còn thấp, nhất là so với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đang đặt ra.
 

 Trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư
Trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

Theo thống kê, ngoại trừ đợt phong học hàm đầu tiên (năm 1976), tính từ năm 1980 đến hết năm 2011, số lượng Giáo sư là 1.432 người và Phó Giáo sư là 7.750 người.

Trong khi theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2011, tổng số giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước là trên 70.000 người.

Như vậy, để đạt được yêu cầu mỗi bộ môn trong một cơ sở giáo dục đại học có ít nhất 1 Giáo sư và một số Phó Giáo sư thì tỷ lệ Giáo sư, Phó Giáo sư làm giảng viên hiện nay là quá thấp.

Theo tìm hiểu của phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong các nguyên nhân của tỷ lệ thấp nêu trên có yếu tố từ số giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ hiện nay cũng còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, tức là có gần 7.300 Tiến sĩ. Trong khi để được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư thì một trong những điều kiện quan trọng là giảng viên phải đạt trình độ Tiến sĩ.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đã đạt được trình độ Tiến sĩ, nhưng chưa đủ công trình nghiên cứu theo quy định hoặc chưa có đủ uy tín về kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học để được phong Giáo sư, Phó Giáo sư.

Ngoài ra, cũng có nhiều nhà giáo được phong Giáo sư, Phó Giáo sư nhưng đã nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác, làm quản lý, hoặc không tham gia giảng dạy nữa. Do vậy, số lượng giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư hiện không tăng mà còn có chiều hướng giảm.

Để giải quyết vấn đề này, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc tăng cường số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ là một trong những yếu tố tiên quyết, đây cũng là điều kiện cần.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 911/QĐ-TTg). Theo đề án này, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 Tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Trong đó, ưu tiên đào tạo trình độ Tiến sĩ đối với giảng viên các trường đại học, nhất là các trường đại học trọng điểm, các trường đại học xuất sắc.

Đồng thời việc bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cũng được đổi mới. Theo Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2012 và Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 26/10/2012 thì việc bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư được giao cho thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thực hiện thay vì quy định việc bổ nhiệm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định như trước đây.

Đây là một quy định rất cởi mở, tuy nhiên hiện vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng chưa nên áp dụng vội vã, cũng như cần có cơ chế kiểm soát để không dẫn đến việc "phong" quá nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư mà không quản được chất lượng. Mặc dù vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, các tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt là rất nghiêm thì khó có thể xảy ra hiện tượng trên.

Theo quy định, việc xét duyệt để được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước thực hiện, trên cơ sở đó thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư.

Rõ ràng là để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sỹ, Phó Giáo sư, Giáo sư trong các trường dạy học đòi hỏi một quá trình triển khai chắc chắc không phải chỉ trong vài tháng hay thời gian ngắn. Hy vọng với những giải pháp phù hợp sẽ tạo điều kiện để tăng cả về quy mô và chất lượng giảng viên trình độ cao, nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy, cũng như góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo - vấn đề quan trọng đang được đặt ra hiện nay.



 Theo Trần Mạnh – Thu Huyền/Chinhphu.vn


.