Trường đại học nào tăng học phí nhiều nhất

10:09, 02/09/2012
.


Bước vào năm học mới, hầu hết các trường đại học (ĐH) đều tăng học phí để bù chi. Trái ngược với hình thái tăng học phí của những trường đại học công lập, nhóm các trường giảm hoặc không tăng học phí đều là những trường mới thành lập.


Đối với những trường thuộc nhóm này, việc không tăng học phí là một chiêu bài giúp họ chiêu sinh trong khi thương hiệu chưa có. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc tuyển sinh nhiều trường thậm chí chấp nhận lỗ để giảm học phí, hoặc cố gắng không tăng học phí.
 
Học phí của gần 20 trường ngoài công lập phía Bắc chia làm 3 nhóm chính. Nhóm thấp nhất nằm trong khoảng 400.000- 650.000 đồng/tháng cho học phí ĐH (khoảng 10 tháng/năm học). Nhóm thứ 2 có mức học phí dao động khá lớn, từ trên 650.000- 1,5 triệu đồng/tháng. Nhóm thứ 3 từ 1,5 triệu - 1,85 triệu/tháng. Trường ngoài công lập phía Bắc có mức học phí cao nhất là trường ĐH FPT.
 
Giảm để hút thí sinh
 
Có thể kể tới 3 trường ĐH không tăng học phí trong 3 năm liền (năm 2010, 2011 và 2012), gồm: ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên. Mức học phí các trường ấn định trong khoảng từ 4 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng/năm.
 
ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) còn được miễn 1 tháng học phí của học kỳ đầu, được xét cấp học bổng theo học kỳ cho học sinh trúng tuyển vào trường. Ngoài ra sinh viên theo học tại trường còn được hưởng các chế độ chính sách khác của Nhà nước như: Miễn giảm học phí cho đối tượng chính sách, được vay vốn ngân hàng ưu đãi.
 
Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) mức học phí ĐH từ 590.000 - 650.000đ/tháng, hệ CĐ từ 490.000 - 520.000đ/tháng - không tăng so với năm 2011.
 
Trường ĐH Thành Đô, hệ ĐH 550.000 đồng/tháng, hệ CĐ 450.000 đồng/ tháng. Trường ĐH Thành Đông, hệ ĐH 580.000 đồng /tháng, hệ CĐ 500.000 đồng /tháng. Trường ĐH Thành Tây, hệ ĐH các ngành là 750.000 đồng/ tháng, riêng ngành Điều dưỡng 1,4 triệu đồng/tháng, hệ CĐ 600.000 đồng/tháng...
 
Cá biệt có Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị giảm học phí trong 3 năm liền lần lượt từ 1,1 triệu/ tháng (2010) xuống 850.000 đồng/ tháng (2011). Năm học 2012- 2013 học phí giảm còn 800.000 đồng/ tháng (khối ngành Kinh tế- Quản trị) và 600.000 đồng/ tháng (khối ngành Khoa học). Lý giải cho việc giảm học phí, lãnh đạo trường cho biết, nhà trường chấp nhận lỗ để xây dựng thương hiệu.
 

  Sinh viên đại học Tôn Đức Thắng đi nộp học phí. (Ảnh minh họa)
Sinh viên đại học Tôn Đức Thắng đi nộp học phí. (Ảnh minh họa)




Tăng để bù chi
 
Ở Hà Nội, TP.HCM và các ĐH địa phương, tốc độ tăng học phí của các trường ngoài công lập cũng khá chừng mực.
 
Không chỉ dẫn đầu về mức học phí cao trong số các trường đã công khai, ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM còn đứng đầu về tốc độ tăng học phí hàng năm. Học phí của trường này trong 3 năm gần đây lần lượt là 55 triệu, 69 triệu và 74 triệu đồng năm 2012.
 
Trường ĐH Ngoại ngữ- Tin học TP.HCM có mức học phí năm học này dao động từ 12 đến15 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng/năm.
 
ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm nào cũng tăng học phí. Theo đó, mức học phí của năm học này tăng gần 3 triệu đồng/năm lên mức 12.980 triệu đồng/năm với lý do nhà trường đầu tư thêm cơ sở vật chất. Các ngành kiến trúc, điều dưỡng đa khoa, kĩ thuật y học những năm trước có mức giá khác nhau, năm nay tăng lên đồng mức 15,980 triệu đồng. Mức phí của hệ cao đẳng có khá mạnh, từ 7,780- 8,780 triệu đồng lên hẳn 11,780 triệu đồng.
 
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tăng từ 8,4 triệu đồng lên 9 triệu đồng;
 
Trường ĐH dân lập Phương Đông có mức học phí năm thứ nhất từ 6,75 - 8,25 triệu đồng/năm (tùy theo ngành học). Như vậy, mức học phí này tăng rất ít, chỉ khoảng 100.000 đồng/năm so với năm 2011. Dự kiến, các năm học sau, mỗi năm nhà trường sẽ tăng khoảng 10% so với năm học trước (thu theo số tín chỉ thực học).
 
Trường ĐH Thăng Long, mức học phí của năm học này tăng 2 triệu/năm. Cụ thể, học phí các ngành kế toán, tài chính- ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý bệnh viện, y tế công cộng, công tác xã hội, Việt Nam học có mức học phí là 18 triệu đồng/năm. Các ngành toán ứng dụng, khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, hệ thống thông tin quản lý, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc ở mức 18,5 triệu đồng/năm. Ngành điều dưỡng có mức 18,5 triệu đồng/năm.
 
Trường ĐH Nguyễn Trãi, hệ ĐH 1,58 triệu đồng/tháng, hệ CĐ 980.000 đồng/tháng. Chương trình liên kết đào tạo với ĐH Sunderland (Vương quốc Anh) 305 triệu đồng/4 năm. Chương trình liên kết đào tạo với ĐH FHM (CHLB Đức) 405 triệu đồng/4 năm.
 
Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, hệ ĐH: các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán là 15 triệu đồng/năm học. Các ngành Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử, truyền thông là 16 triệu đồng/năm học. Các ngành còn lại là: 18 triệu đồng/năm học. Hệ CĐ: các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán là 8 triệu đồng/năm học, các ngành còn lại là 9 triệu đồng/năm học.
 
Trường ĐH Bà Rịa- Vũng Tàu tăng từ 6,6 triệu đồng/năm lên 7,8 triệu đồng/năm đối với hệ đại học và từ 5,4 triệu đồng/năm lên 6,5 triệu đồng/năm đối với hệ cao đẳng.
 
ĐH dân lập Phú Xuân Huế cũng tăng thêm 1 triệu đồng so với mức 6 triệu của năm ngoái để lấy kinh phí trả lương thêm cho giảng viên.
 
Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) công bố học phí hệ ĐH các ngành: 8 triệu đồng/năm, CĐ các ngành 6,5 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng khoảng 500.000 đồng/năm so với năm trước.

 

Theo VnMedia


.