Tân sinh viên nghèo viết tiếp uớc mơ

08:09, 06/09/2012
.

(QNg)- Một mùa tuyển sinh nữa qua đi. Năm nay, Quảng Ngãi có rất nhiều tân sinh viên nghèo thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Phía trước các em là niềm vui, cùng với đó là những nỗi lo về cơm - áo - gạo - tiền khi cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám...

Những ngày cuối tháng Tám, nhiều tân sinh viên vừa nhận giấy báo nhập học tranh thủ thu xếp công việc để vào giảng đường. Trong khi những bạn gia đình khá giả tổ chức tiệc tùng cho con cái linh đình thì với những bạn tân sinh viên nghèo thì đó là khoảng thời gian vô cùng buồn lo. Tân sinh viên Trường đại học Phạm Văn Đồng Võ Thị Ngọc Huyền (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) đang tất bật với công việc đồng áng để phụ giúp gia đình. Nhà Huyền thuộc diện hộ nghèo.

 

Võ Thị Ngọc Huyền.
Võ Thị Ngọc Huyền.


Ba mẹ bị bệnh nặng, mất sức lao động nên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Huyền đã trở thành lao động chính trong gia đình. Chuyện nhà, chuyện đồng áng một tay Huyền cán đáng. Nhận giấy báo đỗ đại học, không niềm vui nào tả được, nhưng cạnh đó là nỗi lo, "từ hôm nhận giấy báo nhập học đến giờ em cứ lo nghĩ quẩn quanh. Em sợ rằng, nay mai em đi học thì không biết ai phụ giúp ba mẹ em"- Huyền nói trong nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình. Ba Huyền bị tai nạn khi đang làm thợ hồ khoảng 10 năm trước nên không thể lao động được nữa, còn mẹ thì bị khối u đang hành hạ gần năm nay. Sắp tới đây, không còn được ở nhà giúp đỡ ba mẹ nữa em sẽ phải vừa đi học, vừa tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống cho mình. Dù có khó khăn đến mấy em cũng sẽ quyết tâm để đi học"- Huyền quả quyết.

Vài ngày nữa, Nguyễn Thị Thanh Bình, xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi - tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng sẽ vào giảng đường đại học. Để có tiền nhập học, Bình đang tranh thủ mở một lớp học tại ngôi nhà nhỏ của mình. Từ lúc bố Bình mắc bệnh, kinh tế gia đình rơi vào khánh kiệt. Ngày đi học tối về Bình phải dạy thêm. "Em dạy học kiếm ít tiền để vào trường. Với lại dạy học để em có thêm kinh nghiệm vào Sài Gòn em sẽ đi dạy thêm hoặc tìm việc gì đó làm để trang trải cuộc sống. Dù biết là rất khó khăn, nhưng em sẽ cố gắng, vì muốn học thì không còn cách nào khác"- Bình chia sẻ. Hành trang vào giảng đường đại học của Bình vài ngày tới là số tiền nhỏ dành dụm được từ việc dạy thêm và đàn gà mà em cùng mẹ chăm sóc mấy tháng nay.

Nguyễn Thị Thanh Bình.
Nguyễn Thị Thanh Bình.

 


Với Huyền, Bình dù có khó khăn vất vả nhưng có lẽ họ còn có một chỗ dựa làm niềm tin đó là gia đình. Còn đối với  Đinh Văn Đệ - tân sinh viên Trường đại học Phạm Văn Đồng, người dân tộc Hrê, ở xã Sơn Trung (Sơn Hà) thì hành trình đến với giảng đường đại học là những chuỗi ngày cơ cực. Năm 9 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mất mẹ, Đệ sống với chị gái. Nhưng rồi không lâu sau đó, người chị gái không may mắn chuyện chồng con bỏ đi biệt tích để lại cho em đứa cháu mới chập chững. Từ đây phận mồ côi nuôi cháu mồ côi đã biến Đệ thành một "cái máy" để vừa lo cái ăn cho hai cậu cháu, vừa phải lo chuyện học hành.

 

Đinh Văn Đệ.
Đinh Văn Đệ.


Sau giờ lên lớp, Đệ phải làm quần quật. Buổi sáng vượt 10 cây số đến trường, chiều về đi phụ hồ, lột vỏ keo, làm cỏ thuê cho người dân trên rẫy cao... kiếm tiền để nuôi đứa cháu côi cút và lo việc học tập của mình. Ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" nhưng với nghị lực phi thường, Đệ đã vượt qua tất cả, trở thành thủ khoa ngành sư phạm ngữ văn (19.5 điểm) Trường ĐH Phạm Văn Đồng. "Bây giờ đậu đại học rồi nhưng chi phí đi lại, học tập quả là một vấn đề rất khó khăn đối với em"- Đệ lo lắng cho cuộc sống sắp tới của mình.

Dù nghèo khó nhưng bằng nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng các tân sinh viên nghèo vẫn viết tiếp ước mơ của mình. Hành trình đó rất cần những tấm lòng động viên, chia sẻ, giúp đỡ để các em có điều kiện đến trường, tiếp tục vượt khó vươn lên.     


Bài, ảnh: Mai Hòa
 


.