Chuyện về một gia đình hiếu học

09:09, 23/09/2012
.

(QNg)- Cứ mỗi mùa thu về, tiếng trống tựu trường vang lên trong thôn Hải Tân xã Phổ Quang (Đức Phổ) là bà con thêm một lần cảm phục vợ chồng ông Lê Văn Trung. Họ thật giàu nghị lực vượt qua bao khó khăn để nuôi con học hành đến nơi đến chốn.


"Giờ, ông Trung bị bệnh tai biến phải nằm một chỗ. Nhưng ông không buồn bởi các con ông đã học thành người nên đứa đóng góp tiền nuôi cha, đứa chăm sóc miếng cơm giặt giũ quần áo. Chứ trước đây, ai khổ bằng ổng...".Anh Phạm Văn Mịnh - cán bộ xã Phổ Quang kể với giọng vừa sẻ chia vừa cảm phục.

Biết mưu sinh trước khi biết chữ

Nói rồi, anh đưa tôi đến nhà ông Trung và gặp anh Lê Thanh Tân- con thứ 3 của ông Trung ở đầu ngõ. Anh Tân nói: "Mặc dù bộn bề công việc nhà nước và mình đang theo học lớp cao học nhưng cũng dành thời gian đưa con đến trường. Cứ nhìn con trong bộ quần áo mới, dép, cặp, sách vở đều mới tinh tươm, tự tin bước vào lớp học, mình lại nhớ tuổi thơ của mình...".
 

Ông Trung đã nằm một chỗ nhưng hàng ngày ông sống trong tình yêu thương chăm sóc của các con.
Ông Trung đã nằm một chỗ nhưng hàng ngày ông sống trong tình yêu thương chăm sóc của các con.


Ngày đó, anh sinh ra trong một gia đình có 9 anh em. Anh là con thứ ba trong gia đình. Mẹ vì sinh nở nhiều nên ốm yếu và chỉ ở nhà trông con. Mọi nỗi lo cơm áo, sách vở cho các anh em anh đều đè nặng lên đôi vai của cha. Lúc thì rải lưới đơm cá, lúc chèo đò để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Thấy cha nhọc nhằn, các anh trai đầu của anh Tân, một buổi đến lớp, buổi theo cha ra sông. Anh Tân kể: "Nhọc nhất là mỗi khi mùa mưa về. Cái mùa tựu trường đó, gia đình phải chi phí rất nhiều, nhưng không có ai làm cùng cha. Các anh đến trường, mình chưa đúng tuổi đến lớp, nhưng đã "được" tuổi ra sông cùng cha.

Cứ 3 giờ sáng là dầm mình dưới nước để làm trụ cột cầm chắc tay lưới cho cha thả câu. Lúc thì gỡ cá. Con nước mùa thu lạnh buốt, có lúc lại dâng cao, mình phải nhảy theo kiểu giã gạo để nước khỏi vào miệng. Khi thu gom hết tay lưới, cha mình mới đưa lên ghe cũng là lúc đôi môi đánh cập liên tục...". Bà con làng xóm thấy thế khuyên cha anh, cho các con nghỉ học để cùng lo cho gia đình. Nhưng ông ngẫm về đời mình, vì không biết chữ nên đã khổ. Giờ, cho con nghỉ học thì tương lai chúng thật mù mịt. Thế là ông lại cắm cúi làm để có gạo nuôi con...

 Các con ông đã nghe lời cha dạy, siêng năng học hành. Cứ lên mỗi bậc học là xa nhà thêm vài km. Đến khi cả ba anh em đầu lần lượt bước vào học cấp 3. Nhà cách trường học gần 10km nhưng chỉ có một chiếc xe đạp, các anh em lại linh hoạt vận dụng cách đi xe đạp như kiểu "giã gạo". Anh học buổi sáng, em học buổi chiều. Mỗi anh em thay phiên nhau cuốc bộ vài km trên đường đất cát để đón lấy xe ở giữa chặng đường để tiếp tục quãng đường còn lại đến lớp. Thấy nhà ông Trung cho con đi học thiếu thốn nhiều người xấu bụng lại dèm pha: "Văn chương không bằng cái xương con cá liệt". Ông Trung nghe được cũng buồn, nhưng lại thêm một lần nữa khuyên các con cố gắng học hành.

"Rồi anh trai đầu là Lê Thanh Hoàng, học xong lớp 12, được làm Công an ở tỉnh Đắc Lắc. Vài năm sau, tỉnh Đắc Lắc đã tạo điều kiện cho anh đi thi Đại học An Ninh, anh đủ điểm đậu và được cử đi du học ở nước Nga. Mấy anh em mới tin và ao ước được như anh mình nên cố gắng học hành" - Anh Tân bộc bạch.   

Giờ đây, vượt qua khổ ải của cuộc mưu sinh, các con ông Trung lần lượt trưởng thành. Trong 9 người con của ông, thì có 6 người con trai học hành thành đạt. Người du học nước ngoài, người học dược sĩ, đại học kinh tế, kỹ sư nông nghiệp... Còn anh Tân học đại học thủy sản Nha Trang - giờ anh đang làm ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Phổ và tiếp tục học lên cao học. Còn 3 người con gái vì chăm lo cho gia đình nên đã nghỉ học nửa chừng, giờ đã lập gia đình, cuộc sống ổn định.

Mãn nguyện tuổi già

Hai vợ chồng ông bà Lê Văn Trung giờ đã lên chức ông bà nội, bà ngoại. Ông Trung giờ bị tai biến nằm một chỗ, còn bà đã già yếu. Những người con, mặc dù đứa làm công an, dược sĩ ở TP Hồ Chí Minh, đứa làm các ngành nghề, ở các nơi khác nhau, nhưng đều nhớ đến đại gia đình. Người chu cấp tiền chăm sóc cha, người lo chuyện nhà cửa. Hôm chúng tôi đến nhà ông Trung - mặc dù miền quê nơi này còn nghèo khổ, nhưng ngôi nhà ông đã được xây dựng thật kiên cố khang trang. Các vật dụng trong gia đình đều đầy đủ. Điều đặc biệt là ông Trung nằm một chỗ đã bao năm rồi, nhưng ngôi nhà vẫn đầy ắp tiếng cười, bởi tiếng nô đùa của con cháu vui vầy vây quanh ông bà.


Bài, ảnh: MAI HẠ  
 


.