Bấp bênh ước mơ đại học của cô học trò nghèo

10:08, 22/08/2012
.

(QNg)- Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học của cô con gái, ông La Văn Minh rơm rớm nước mắt bảo với tôi: "Con cái thi đỗ đại học, làm cha mẹ tôi vui mừng không thể tả, nhưng bên cạnh đó là cả một nỗi lo, sắp tới không biết lấy tiền đâu cho con vào đại học. Nhà chả có cái gì giá trị để bán".  

Đó là những lời tâm sự đầy lo lắng của ông La Văn Minh khi đứa con gái sắp bước vào ngưỡng cửa đại học. Quả thật, có đến nhà em La Thị Trầm, xóm Gò, thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), tôi mới thấy được những khó khăn mà cô học trò này đang trải qua. Ngôi nhà nằm trên gò đất đồi, xung quanh là rừng keo, không có vật dụng gì đáng giá, ngoài cái tivi nhỏ đã cũ. Phòng học của em chỉ một chiếc bàn, với mấy mảnh ván ghép lại được kê trên bốn viên gạch.

Trầm đang thái rau cho heo ăn.
Trầm đang thái rau cho heo ăn.


Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 3 anh em, Trầm là cô con gái duy nhất nên phải quán xuyến mọi việc trong nhà. Vì kinh tế quá khó khăn, nên mẹ Trầm phải vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh kiếm tiền nuôi anh trai của em đang học Đại học Bách khoa (năm thứ hai)). Hàng ngày, mẹ  Trầm - bà Võ Thị Dương phải đạp xe hơn 10 cây số để đi mua phế liệu ở các quận ven thành phố để bán kiếm tiền, nhưng vì sức khỏe yếu nên bà hay đau ốm, không đi xa mua hàng được như trước nên tranh thủ ngày mùa trở về quê lo việc đồng áng. Nói về cô con gái đảm đang của mình, bà Dương bộc bạch: "Vì lo cho anh nó, nên tôi phải bươn chải phương xa kiếm sống, mọi việc nhà đều một tay cháu Trầm gánh vác. Sáng, cháu phải dậy từ 4 giờ sáng để nấu ăn cho gia đình, chăm lo cho nội, tối thì thức khuya để học bài. Thương con vất vả, nhưng vì ở xa nên tôi chỉ biết gọi điện về động viên con chăm lo học hành".

Không chỉ đảm đang việc nhà, Trầm còn phải chăm sóc cho đứa em đang học lớp 9 và bà nội 82 tuổi bị liệt. Kinh tế gia đình em Trầm chỉ biết trông vào vài sào ruộng và một con heo nái. Kể từ khi ba em bị đau ốm liên miên, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn gấp bội. Vì bị bệnh viêm xoan và đau khớp nên ông Minh phải hai lần vào TP Hồ Chí Minh để mổ, với chi phí hàng chục triệu đồng. Đã hơn 5 năm nay vì mất sức lao động, ông Minh không thể bươn chải để kiếm tiền lo cho các con ăn học. Ông La Văn Minh bộc bạch: "Mặc dù nhà nghèo cháu không bao giờ than vãn, hay đua đòi theo bạn bè, có ý thức tự lập từ bé, không bao giờ để ba mẹ phải phiền lòng".

Trong căn nhà nhỏ của gia đình Trầm, ấn tượng đầu tiên đối với tôi là những tấm giấy khen dày đặc. 12 năm đèn sách thì 12 năm liền em đều là học sinh khá, giỏi. Nói về cô học trò ngoan hiền của mình, cô Võ Thị Thùy - giáo viên chủ nhiệm của Trầm cho biết: "Biết được hoàn cảnh khó khăn của Trầm, tôi động viên em cố gắng học tốt. Bước vào các kì học, thấy em chưa đủ tiền nộp học phí, tôi bỏ tiền ứng trước cho em mượn để em yên tâm học tập. Trầm không những học tốt, đều các môn học, mà còn có ý thức thường xuyên giúp đỡ bạn bè trong lớp vươn lên trong học tập".

Cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm, ngành công nghệ kĩ thuật hóa học, với số điểm 18,5 mà Trầm ngân ngấn nước mắt: "Đường học sắp tới của em rất bấp bênh, em không biết lấy tiền đâu để đi học, nhưng dù gì đi nữa em cũng nhất định đi học, chứ không bỏ học giữa chừng. Chỉ có học tốt em mới có cơ hội thoát nghèo lo cho ba mẹ"- Trầm tâm sự.

Chia tay với gia đình  Trầm, nhìn đôi mắt đầy hạnh phúc mà cũng xen lẫn nhiều âu lo của cha mẹ em, tôi biết rằng, để lo cho con vào đại học là cả một "gánh nặng" của gia đình nông dân này.


 Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.