Ngành học sư phạm ở Trường ĐH Phạm Văn Đồng: Đào tạo theo kiểu “gián đoạn”

10:07, 10/07/2012
.

(QNĐT)- Đào tạo theo kiểu gián đoạn là cách được Trường ĐH Phạm Văn Đồng áp dụng đối với ngành sư phạm trong những năm gần. Nguyên nhân vì sao?

TIN LIÊN QUAN


PGS.TS Phạm Đăng Phước-Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho hay, để hạn chế tình trạng nhiều sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp nhưng không được giải quyết việc làm, những năm gần đây trường mở lớp đào tạo ngành này theo kiểu gián đoạn. Công tác chiêu sinh không được thực hiện liên tục theo từng năm, mà có năm “ngừng”, năm “mở”.

Cần nghiên cứu, phân tích kỹ giữa cung và cầu đối với nguồn nhân lực ngành sư phạm để có hướng đào tạo hợp lý.
Cần nghiên cứu, phân tích kỹ giữa cung và cầu đối với nguồn nhân lực ngành sư phạm để có hướng đào tạo hợp lý.


Theo hiệu trưởng Phạm Đăng Phước, công tác đào tạo được tiến hành liên tục chỉ áp dụng đối với sư phạm tiếng Anh, tiểu học và mầm non. Đây là những ngành mà hiện nhiều trường học trong tỉnh thiếu giáo viên, nhất là ở khu vực miền núi.

Hiện nay, vẫn chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm ở Trường ĐH Phạm Văn Đồng được đứng lớp giảng dạy so với tổng số sinh viên được đào tạo. Chỉ biết rằng có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này hiện không tìm được việc làm theo đúng ngành nghề được đào tạo. “Có nhiều em đi vào miền Nam, Tây Nguyên để tìm việc, một số khác chấp nhận làm trái ngành”, hiệu trưởng Phạm Đăng Phước nói.

 Nhiều sinh viên học ngành sư phạm ở Trường ĐH Phạm Văn Đồng là con nhà nông, cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các em thi vào ngành sư phạm vì nghĩ không phải lo học phí, ra trường sẽ được bố trí việc làm. Học phí được miễn thì có, còn việc giải quyết việc làm thì nhiều em cứ đợi chờ trong vô vọng.

Một cán bộ làm công tác tổ chức ở Sở GD&ĐT cho hay, chúng tôi không nắm được hàng năm số sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm ở tỉnh ta là bao nhiêu. Sở chỉ biết số lượng hồ sơ xin việc nộp về Sở đối với bậc THPT và tỷ lệ được giải quyết việc làm là bao nhiêu trong tổng số hồ sơ tiếp nhận. Còn đối với bậc THCS thì giao về cho huyện quản lý theo quy định phân cấp quản lý biên chế nên… chịu. “Chỉ vào dịp cuối năm, các phòng giáo dục mới báo cáo tình hình cán bộ-giáo viên, trong đó có số tuyển mới, nhưng số liệu cũng không chắc lắm… ”, cán bộ này nói.

Theo nguồn tin chúng tôi có được, sắp tới Trường ĐH Phạm Văn Đồng và Sở GD&ĐT sẽ phối hợp để tổ chức hội thảo khoa học đánh giá về công tác đào tạo và giải quyết việc làm đối với sinh viên ngành sư phạm. Hy vọng cuộc họp bàn này sẽ tìm được lối ra cho sinh viên ngành sư phạm, để không lãng phí tiền của và nguồn nhân lực.


Bài, ảnh: Minh Anh

 


.