Đề thi mở, đáp án sẽ mở

09:07, 10/07/2012
.

Đó là khẳng định của ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH tại buổi họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi ĐH-CĐ năm 2012 tổ chức chiều nay (10/7) tại Hà Nội.

Chất lượng đề thi, cách chấm thi và điểm mới trong quy chế khi thí sinh được phép mang một số thiết bị công nghệ cao vào phòng thi để phát hiện gian lận thi cử là những vấn đề được báo giới quan tâm đặc biệt tại buổi họp
 

Đổi mới quy chế làm tăng chất lượng của kỳ thi
Đổi mới quy chế làm tăng chất lượng của kỳ thi

Về chất lượng đề thi, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, theo báo cáo của HĐTS các trường ĐH và đánh giá ban đầu của các chuyên gia, của dư luận xã hội cũng như của thí sinh dự thi, đề thi các môn có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với đa số thí sinh

Đề thi cũng kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi môn Ngữ văn, Địa lý được đánh giá cao về việc ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.

Theo đánh giá chung, công tác coi thi được triển khai nghiêm túc, những điều chỉnh hợp lý trong chỉ đạo tổ chức thi, nhất là Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã có hiệu quả rõ rệt, có tác động tích cực đối với việc tổ chức thi an toàn và tăng cường kỷ cương thi cử.

Trong cả hai đợt thi, cả nước có 321 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó 253 trường hợp bị đình chỉ. 11 thí sinh đến muộn không được dự thi; 9 cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh bị xử lý kỷ luật

Minh bạch hóa công tác tuyển sinh

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép thí sinh mang các thiết hị công nghệ cao vào phòng thi “được nhiều hơn mất”, có thể “tiếp tay” cho nhiều gian lận trong thi cử, đặc biệt đây có thể là hình thức “đánh dấu bài thi” cao cấp… Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT bày tỏ không đồng tình với những nhận định này. Ông Bằng khẳng định, việc sử dụng phương tiện kỹ thuật để chống tiêu cực trong thi cử là xu thế trong xã hội hiện đại mà các cơ quan quản lý không thể không xem xét.

Mục đích của việc làm này là nhằm xã hội hóa hoạt động giáo dục, giám sát hoạt động thi cử một cách có tổ chức, lành mạnh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số thí sinh đã không mang các thiết bị này vào. Các cán bộ coi thi, giám thị nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn. Có thể lúc đầu họ còn băn khoăn, nhưng tuyệt đại đa số sau một buổi thi được giải tỏa

“Từ trước đến nay xã hội không biết điều gì xảy ra trong phòng thi. Do đó, mục đích của việc làm này là minh bạch hóa công tác tuyển sinh. Các thí sinh và xã hội có thể cùng giám sát chất lượng, độ nghiêm túc của kỳ thi. Các thí sinh có thể phản ánh bằng cách phản ánh kèm vật chứng kèm theo để cung cấp cho các cơ quan chức năng.

Các giám thị cũng thấy trách nhiệm của mình cao hơn, làm đúng quy chế hơn. Mọi hành động lợi dụng thiết bị để gian lận trong làm bài thi, chấm thi sẽ vi phạm quy chế và bị xử lý nghiêm. Nếu giám thị nào còn nghi ngờ về công năng của thiết bị có thể báo cáo HĐTS, điểm thi đẻ xử lý kịp thời” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.

Trả lời không khớp với đáp án, vẫn được tính điểm

Trước nhiều câu hỏi về đề thi được đánh giá là khó, Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng lý giải, quan điểm chung của Bộ khi ra đề là phải bám sát chương trình THPT, lớp 12. Các câu hỏi phải có sự phân hóa rõ rệt, phần từ 5 điểm trở xuống bảo đảm học sinh trung bình có thể làm được. Phần từ 5 điểm trở lên là dành cho học sinh khá, giỏi.

Với các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, việc ra theo hướng mở nhằm tránh cho học sinh học vẹt. Các câu hỏi như về “mê muội thần tượng” hay Hoàng Sa, Trường Sa… gắn liền với các vấn đề xã hội đang được dư luận quan tâm. Hướng chấm thi sẽ khuyến khích sáng tạo. Thí sinh dù có câu trả lời không trùng với đáp án, nhưng có căn cứ, lý lẽ vẫn được tính điểm

Việc bổ sung cụm thi Hải Phòng, theo Bộ GD-ĐT đã giảm bớt 14.750 thí sinh cho các điểm thi tại Hà Nội. Tương tự, việc mở rộng đối tượng dự thi tại cụm Vinh đã giảm bớt 9.384 thí sinh cho các điểm thi tại Tp. Hồ Chí Minh, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các TP này. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tổ chức cụm thi ở Hải Phòng và các cụm mới nếu nhu cầu cần thiết.

 

Theo HNMO


.