Việt Nam thuộc top 10 quốc gia ’nhẹ’ nhất thế giới

02:06, 21/06/2012
.

Các nhà nghiên cứu châu Âu tính được cân nặng của toàn bộ nhân loại và công bố danh sách 10 quốc gia “nhẹ” nhất thế giới với vị trí thứ 9 thuộc về Việt Nam.

Theo Live Science, dựa vào những dữ liệu thu thập khắp thế giới của năm 2005, các nhà nghiên cứu sử dụng chỉ số khối cơ thể (hay còn được coi là số đo độ béo của cơ thể - BMI) và phân loại chiều cao để ước tính khối lượng cơ thể trung bình của người trưởng thành. Sau đó, họ nhân những kết quả này với số dân để được khối lượng cơ thể tổng cộng.
 

Tính chung toàn cầu, khối lượng cơ thể hay cân nặng trung bình của một người trưởng thành là 62kg. Do đó, cân nặng tổng cộng của tất cả những người trưởng thành trên Trái đất là 316 triệu tấn.

Đối chiếu với ngưỡng chỉ số BMI > 25 là thừa cân và BMI > 30 là béo phì, nhóm nghiên cứu tính toán được rằng, toàn bộ những người trưởng thành trên thế giới có mức thừa cân tổng cộng là 17 triệu tấn (tương đương với trọng tải của khoảng 170 hàng không mẫu hạm quân sự) và số cân béo phì là 3,9 triệu tấn.

Với các kết quả tính toán, nhóm nghiên cứu cũng công bố danh sách 10 quốc gia “nặng” nhất và 10 quốc gia “nhẹ” nhất thế giới dựa vào cân nặng tổng cộng của dân số mỗi nước năm 2005.

Mỹ đứng đầu danh sách “nặng” nhất, trong khi tốp “nhẹ” nhất hoàn toàn thuộc về các quốc gia ở châu Phi và châu Á, trong đó Việt Nam xếp ở vị trí thứ 9.

Đại diện các tác giả nghiên cứu cho biết, mục tiêu công trình của họ là nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về những tác động của việc tăng dân số. “Liên Hiệp Quốc dự báo, đến năm 2050, hành tinh của chúng ta sẽ có thêm 2,3 tỷ người nữa. Những hệ lụy sinh thái học từ việc tăng dân số sẽ trở nên trầm trọng hơn do mức tăng khối lượng cơ thể hay cân nặng trung bình của mỗi cá nhân”, báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí BMC Public Health khẳng định.

Kết luận trên dựa trên luận cứ sau: khối lượng cơ thể tăng lên sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để duy trì và chuyển động. Do đó, khi cân nặng của ai đó tăng, họ cũng cần nhiều calo hơn để tồn tại. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cao nhu cầu tiêu dùng tài nguyên của Trái đất.

“Giải quyết vấn đề béo phì của dân số có thể mang tính sống còn đối với an ninh lương thực cũng như sự bền vững sinh thái học của thế giới”, nhóm nghiên cứu nhận định.

 

Theo Đất Việt


.