Giáo dục bậc mầm non: Bất cập cần tháo gỡ
Khốn khổ vì trường lớp bệ rạc

08:05, 24/05/2012
.

(QNg)- Cơ sở vật chất của nhiều trường mầm non trong tỉnh hiện đang trong tình trạng bệ rạc. Có những ngôi trường chẳng thể hình dung đó là trường học. Đây là thực trạng buồn ở bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh ta.  

TIN LIÊN QUAN


Cây cuốc "thường trực" trong lớp học   

Chúng tôi lấy làm lạ khi nghe cô giáo Lê Thị Thanh Quýt (dạy ở  điểm trường thôn Long Bàn, Trường MN Tịnh An, huyện Sơn Tịnh) bảo rằng: "Ở đây lúc nào cô giáo cũng chuẩn bị sẵn cây cuốc". Lớp học thì chuẩn bị cuốc để làm gì?-chúng tôi ngớ người suy đoán. "Để đào và lấp mỗi khi học sinh đại tiện", cô giáo Quýt giải thích. Hóa ra trường học không có nhà vệ sinh, khi các cháu có nhu cầu "ị", cô giáo dẫn ra vườn. Để giảm phần ô nhiễm, cô giáo sử dụng cuốc để lấp. Quan sát xung quanh trường học, chúng tôi chẳng thấy có công trình nước sạch. Đặt câu hỏi về vấn đề dịch bệnh, nhất là trước tình hình xuất hiện bệnh tay-chân-miệng như hiện nay, cô giáo buộc miệng: "May là chưa có cháu nào mắc bệnh. Chủ yếu là nhắc nhở phụ huynh vệ sinh cho các cháu lúc ở nhà".

Nhà dân
Nhà dân "ôm" lấy phòng học ở điểm trường thôn Tân An (Trường MN Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa).


Không nhà vệ sinh, không nước sạch, thậm chí trong tiết trời nắng nóng như thế này trường học "trắng" cả quạt máy vì không được bắt điện. Nhìn các cháu nhỏ với gương mặt thơ ngây, chúng tôi lấy làm buồn vì ngay trong bậc học đầu đời các cháu đã tiếp cận môi trường không mấy "thân thiện". Bà Dương Thị Thu Thủy-Phó phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh cho biết, toàn huyện hiện có 21 trường mầm non với hơn 100 điểm trường. Hầu hết các điểm trường lẻ hiện đang xuống cấp. Có 75 phòng học tạm, học nhờ và 78 phòng học bán kiên cố trong tổng số 185 phòng học. Phần lớn các điểm trường không có nhà vệ sinh. Diện tích phòng học chật hẹp nên khó triển khai hoạt động theo chương trình giáo dục mầm non mới nhằm phát triển tính chủ động, tư duy của trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục không đảm bảo.

Ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) hiện tồn tại ngôi trường mà chúng tôi cho rằng có một không hai ở tỉnh này. Đó là điểm trường thôn Tân An. Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi bước vào lớp học nơi đây là sự khó chịu, phần vì quá chật hẹp, phần vì lớp học "nóng như đổ lửa". Thương cho các cháu nhỏ hàng ngày ngồi trong lớp học toát mồ hôi. Con đường chưa đầy 2m dẫn vào nhà dân "chia đôi" hai phòng học. Đây cũng là sân chơi "khiêm tốn" của học trò. Nhà ở của dân cách phòng học ở mức "nói nhỏ cũng nghe". Tiếng xe cộ qua lại, tiếng nói cười của người dân lúc nào cũng "hiện diện" trong lớp học. Với môi trường giáo dục mà tất cả mọi người đều thừa nhận là quan trọng mà thế này thì làm sao các cháu được trang bị toàn diện về trí-thể-mỹ.

Nền móng thiếu vững chắc

Bà Huỳnh Thị Lan Phương-Quyền Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) ví tầm quan trọng của giáo dục mầm non như thể đặt viên gạch để xây dựng nền móng vững chắc của một ngôi nhà. Đây là giai đoạn trẻ cần được quan tâm đầu tư đặc biệt, giúp phát triển toàn diện trí-thể-mỹ. Trẻ ở lứa tuổi này phát triển mạnh mẽ về nhân cách, do đó cần có "bàn tay" của những người làm công tác giáo dục để "ươm mầm" nhận thức cho các em. Quan trọng là thế, song nói như phần đông giáo viên thì "lực bất tòng tâm". Vì, ở nhiều địa phương trong tỉnh, cơ sở vật chất bậc học mầm non quá xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu dạy và học. "Có đầu tư nhưng nhìn chung, bậc học mầm non ở tỉnh ta lâu nay chưa được quan tâm đầu tư đúng mức", bà Phương thừa nhận.

Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cái lắc đầu ngao ngán về cơ sở vật chất trường, lớp học bậc mầm non nhiều hơn là sự hài lòng.  Chương trình giáo dục cũng không chuyển tải hết đến học trò, do thiếu phòng học hoặc phòng học quá chật hẹp. Điều kiện phục vụ dạy và học còn không đảm bảo nên sân chơi dành cho trẻ ở nhiều trường học hầu như không có.

Một cán bộ có thâm niên trong công tác quản lý bậc học mầm non, thở dài: "Nhiều người cho rằng, trẻ mầm non chủ yếu là chơi chứ học hành gì. Nói như thế là thiếu hiểu biết. Các cháu chơi mà học, học mà chơi. Qua các trò chơi, trẻ được giáo dục, rèn luyện về nhân cách, đạo đức…". Giải thích về sự "trắng" cơ sở trường lớp của bậc mầm non ở địa phương mình, một đồng chí Chủ tịch UBND xã cho rằng: "Xây dựng nhà sinh hoạt thôn phục vụ được hai mục đích, vừa có nhà văn hóa, vừa để dạy học. Cấp I, II có cơ sở vật chất tương đối nên sẵn đầu tư luôn cho đạt chuẩn, còn mẫu giáo thì từ từ…".     

 Chính sự "từ từ" của nhiều địa phương trong việc đầu tư cho bậc học mầm non đã dẫn đến sự thiệt thòi của nhiều trẻ em cũng như thực trạng buồn của giáo dục bậc mầm non ở tỉnh ta.


     Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.