Đào tạo, chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: "Gạn đục - khơi trong"

02:01, 11/01/2012
.

(QNg)- Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh từ nay đến 2015 là tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vững mạnh theo hướng trí thức hóa đội ngũ cán bộ cấp xã, chuyên môn hóa cán bộ cấp huyện và đào tạo cán bộ cấp tỉnh có tầm chiến lược. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đang nỗ lực "gạn đục - khơi trong", xóa bỏ yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Bước nhảy vọt!

Phát triển nguồn nhân lực là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm đột phá của Quảng Ngãi, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng lực lượng lao động có phẩm chất và năng lực ngày càng cao. Trong điều kiện thực tế của tỉnh, nhất là về trình độ, xu thế phát triển, Quảng Ngãi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện nhiệm vụ đột phá này. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc, những năm qua, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, tạo nguồn cán bộ tại chỗ trong tương lai.   (Ảnh minh họa).
Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, tạo nguồn cán bộ tại chỗ trong tương lai. (Ảnh minh họa).


Tổng kết sau 5 năm thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh 2006 - 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã được Trung ương đánh giá là có bước nhảy vọt cả về "lượng" và "chất" so với giai đoạn trước đó. Trong đó, tăng cường đào tạo sau đại học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cấp tỉnh và huyện; tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, trình độ đại học, trung cấp cho cán bộ, công chức cấp xã, nhằm từng bước nâng cao năng lực hoạt động của cả hệ thống chính trị. Đối với các huyện miền núi, tỉnh đã tổ chức đào tạo bổ túc văn hóa trung học phổ thông, làm cơ sở cần thiết để cử đưa đi đào tạo trung cấp, đại học, tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo yêu cầu của Bộ Nội vụ. Theo đánh giá của các địa phương, số cán bộ sau khi được đào tạo, đã nắm vững nguyên tắc lý luận và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng mang lại hiệu quả trong thực tiễn công tác.

Giai đoạn 2006 - 2010, tổng số cán bộ công chức của tỉnh được đào tạo trong nước là hơn 20.000 người; bồi dưỡng ở nước ngoài hơn 300 lượt. Riêng trong năm 2011, con số đào tạo đã tăng lên hơn 5.000 lượt, trong đó tập trung đào tạo cán bộ dự nguồn cấp xã. Đặc biệt, 5 năm qua, tỉnh đã "đột phá" trong phương thức đào tạo tại chỗ thông qua hình thức mở các lớp thạc sĩ trong tỉnh cho gần 100 cán bộ, công chức tham gia học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về cử cán bộ, công chức đi học ngoại ngữ trong nước để đào đạo thạc sĩ ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách tỉnh cho 2 cán bộ tuổi đời dưới 35, tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, giỏi; tổ chức đào tạo tại tỉnh 9 lớp đại học cho hơn 700 cán bộ công chức cấp huyện và xã với các chuyên ngành phù hợp yêu cầu thực tế địa phương, như: nông học, hành chính, kinh tế phát triển, xây dựng Đảng và chính quyền.

Đặc biệt, tỉnh đã mở 1 lớp đại học tại Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (cơ sở miền Trung) 1 lớp cử tuyển ngành Quản trị kinh doanh cho 127 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi của tỉnh. Đây là mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho miền núi, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh, bền vững tại 6 huyện nghèo của tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn

Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, đặc biệt là công chức cấp xã hiện còn thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn năng lực quản lý điều hành. Nhiều cán bộ xã trong diện quy hoạch được tỉnh, huyện tạo điều kiện đi học trung cấp, cao đẳng, đại học nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn trình độ văn hóa nên đành "đứng ngoài". Đã vậy, nhiều địa phương chưa có nguồn thay thế, nhiều đối tượng dự nguồn được chính quyền xã, phường, thị trấn cử đi học, sau khi tốt nghiệp quay trở về địa phương vẫn chưa được bố trí, sử dụng đúng với chuyên môn đã được đào tạo (trái ngành).

Hơn nữa, số lượng cán bộ công chức cấp xã chưa "chuẩn hóa" của những năm trước để lại quá nhiều, nên trong vòng vài ba năm chưa thể "giải quyết" triệt để việc chuẩn hóa. Công tác quy hoạch cán bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được chú trọng cũng đã ảnh hưởng lớn đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chồng chéo, trùng lặp; nặng về lý thuyết, nhiều kiến thức đã cũ, nhưng thiếu sự cập nhật, không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và cả người học. Chính vì vậy, số lượng đào tạo lớn nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa tương xứng.

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: "Những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng mở lớp đào tạo nâng cao trình độ sau đại học cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện; đào tạo chuẩn hóa cán bộ công chức cấp xã. Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là thủ trưởng, người đứng đầu địa phương".


Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đang đặt ra quyết tâm cao, gắn đào tạo, bồi dưỡng với giải quyết "chế độ" cho cán bộ không đủ chuẩn. Hành động "gạn đục - khơi trong" trong lúc này là cần thiết, bởi một số mục tiêu của đề án chuẩn hóa cán bộ tỉnh vẫn chưa đạt được, nhất là chuẩn hóa cán bộ cấp xã, huyện.


                         THANH NHỊ


.