Thí điểm dạy-học cả ngày: "Hành" cả thầy và trò

02:12, 21/12/2011
.

(QNg)- Tuy chương trình dạy - học cả ngày sẽ giúp học sinh có điều kiện củng cố kiến thức, sinh hoạt vui chơi… nhưng với mức hỗ trợ còn quá thấp, cơ sở vật chất trường học lại chưa đáp ứng yêu cầu dạy - học bán trú đã khiến mô hình này trở nên quá sức đối với thầy trò Trường tiểu học Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).

Hỗ trợ nửa vời


Đầu năm học 2011 - 2012, Trường tiểu học Hành Tín Đông được chọn triển khai thực hiện thí điểm Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục với mô hình dạy - học cả ngày (FDS), do tổ chức SEQAP tài trợ. Theo đó, ngoài việc phải dạy đầy đủ các môn học theo quy định của Bộ GD&ĐT, thì theo chương trình FDS, nhà trường còn tăng thời lượng (mỗi tuần học ngày vào thứ 3 và thứ 6) để giáo viên ôn tập và củng cố kiến thức hai môn Toán và Tiếng Việt cho học sinh. Đồng thời, FDS còn chú trọng xây dựng và lồng ghép các trò chơi, hoạt động ngoại khóa giữa các tiết học nhằm giúp các em thỏa mái, dễ dàng tiếp thu các kiến thức hơn.

Giờ ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Hành Tín Đông - điểm trường thôn Khánh Giang.
Giờ ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Hành Tín Đông - điểm trường thôn Khánh Giang.


Tuy nhiên, đó chỉ là những hiệu quả còn nằm trên… giấy, còn thực tế thì FDS đã và đang gây ra nhiều phiền toái cho thầy và trò ở ngôi trường vốn có nhiều khó khăn này. Bởi toàn trường hiện có 240 học sinh nhưng SEQAP lại khá… khiêm tốn, chỉ hỗ trợ kinh phí ăn trưa (7.000 đồng/học sinh) cho 96 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Còn lại 144 em thì nhà trường có trách nhiệm vận động phụ huynh... tự nguyện đóng góp! "Nhưng hầu hết học sinh ở đây đều thuộc diện nghèo, gia đình lại đông anh em nên bố mẹ các em cũng không có điều kiện để cho con học bán trú" - thầy Nguyễn Văn Hiền - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hành Tín Đông cho biết.

 Mặt khác, tuy nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng lại chưa có sổ hộ nghèo nên không được SEQAP hỗ trợ. Vì vậy, nhiều phụ huynh cho rằng, nhà trường đã "thiên vị" đối với 96 học sinh này. Thế nên họ cũng không chịu đóng góp thêm kinh phí để cho con học theo chương trình FDS. Điều này đã khiến Ban giám hiệu trường rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan": Không dạy theo FDS thì trái chủ trương, mà tổ chức dạy thì lấy đâu ra tiền để nuôi 144 học sinh không được SEQAP hỗ trợ?

Thế là sau khi cân nhắc, BGH  nhà trường đã quyết định đưa 96 học sinh được SEQAP hỗ trợ về học ở điểm trường của thôn Khánh Giang. Vậy là, chỉ vì được học thêm 2 buổi/tuần, mà 96 em này bỗng dưng được chuyển trường!. "Số học sinh này đều ở hai thôn đặc biệt khó khăn là Khánh Giang và Trường Lệ.

Do đó, việc học ở điểm trường thôn Khánh Giang sẽ giúp các em đi lại đỡ vất vả hơn" - thầy Nguyễn Văn Hiền - Hiệu trưởng nhà trường lý giải. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không chỉ là quãng đường đến trường 7 cây số được rút ngắn, mà là liệu sự chia tách này có ảnh hưởng đến tâm lý "bị" phân biệt của các học sinh có những hoàn cảnh khác nhau. Bởi, 96 học sinh này đều thuộc diện nghèo, trong đó có 19 em là con em đồng bào dân tộc H'rê?

Thầy trò cùng khổ

Mang tiếng là dạy - học theo chương trình đổi mới của FDS nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị của điểm trường thôn Khánh Giang lại chẳng có gì: Hệ thống nước sạch không, phòng ăn cũng chẳng có, phòng nghe nhìn thì chỉ có mỗi chiếc ti vi cũ kỹ hư lên hỏng xuống. Còn các môn học bổ trợ như nhạc, họa thì thiếu nhạc cụ; môn tiếng Anh thì không có giáo viên nên cũng chưa được triển khai giảng dạy. Mặt khác, nhà trường cũng không đủ lực để tổ chức nhiều chuyến đi dã ngoại, tăng cường giờ học ngoại khóa… cho học sinh theo đúng tinh thần của FDS.

Nhưng khổ nhất là việc lo bữa ăn trưa cho học sinh. Bởi, chỉ với 7.000 đồng/em nên nhà trường đã phải rất vất vả để các em có được bữa ăn ngon, đủ chất. Chẳng thế mà ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo nơi đây còn phải đến từng nhà để vận động, thậm chí năn nỉ phụ huynh mỗi tháng góp thêm vài ba kg gạo nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Tuy nhiên, theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiền thì việc "xin" gạo không khó, mà cái khó là phải xử lý số gạo này như thế nào cho hợp tình hợp lý. "Nhà trường tính quy đổi một phần lượng gạo này để có thêm khoản kinh phí nhằm nâng cao chất lượng khẩu phần ăn cho các em, nhưng nhiều phụ huynh lại cho rằng chúng tôi… bán gạo bỏ túi riêng. Đành thôi vậy!" - thầy Hiền than thở.

Không chỉ học sinh khổ vì phải gồng mình học tới 7 tiết/ngày (sáng 4 tiết, chiều 3 tiết), mà giáo viên cũng khổ vì bỗng dưng phải dạy tăng ca mà chẳng có thêm bất cứ chế độ hỗ trợ nào, thậm chí là một bữa ăn trưa cũng không. Đặc biệt, nhiều giáo viên ở cách xa trường, lại có con nhỏ nhưng cũng đành bấm bụng gửi nhờ hàng xóm để ở lại trông học sinh. Điều này đã khiến họ chịu áp lực nặng nề và có tâm lý "nản" đứng lớp.

Mặt khác, theo ý kiến của các thầy cô giáo của trường thì, việc dạy - học theo chương trình FDS không phù hợp với điều kiện của học sinh miền núi. Bởi, với cơ sở vật chất thiếu thốn, cơ chế hoạt động quy củ, trong khi chế độ hỗ trợ thì nửa vời… không chỉ không giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc học, mà còn tạo gánh nặng học tập, giảng dạy cho cả giáo viên và học sinh. Vậy nên, chất lượng giáo dục theo chương trình FDS vẫn không có gì thay đổi so với chương trình học lâu nay cũng là điều dễ hiểu.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.